Chế biến cá khô là một công đoạn đòi hỏi đầu tư nhiều công phu. Tâm huyết của người làm thể hiện qua các bí quyết làm nên chất lượng, hương vị đặc sắc ở con cá khô thành phẩm.
Bài 1: Uy lực của các chủ vựa tại bến cảng
Bài 2: Một nghề đặc thù của xứ biển
Xã Bình Thắng (Bình Đại) có trên 70% dân số sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và chế biến cá khô. Trong đó, chế biến cá khô là một trong hai nghề truyền thống luôn được duy trì và không ngừng phát triển. Làng nghề truyền thống chế biến cá khô được UBND tỉnh công nhận vào năm 2007, tạo việc làm cho người lao động và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 2%.
Giàn khô được đầu tư nhiều tầng để hạn chế diện tích trong nhà.
Làng nghề thuộc địa bàn ấp 1, 2, 3 và 4 của xã Bình Thắng. Trước đây, làng nghề có 31 hộ trực tiếp sản xuất và mua bán, đến nay chỉ còn 21 hộ sản xuất với quy mô lớn, cung ứng cho thị trường trên 1.200 tấn cá khô/năm. Theo thống kê năm 2012, thu nhập bình quân của lao động trong làng nghề khoảng 21 triệu đồng/người/năm. Do có nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ, thị trường tiêu thụ rộng và cơ bản ổn định nên làng nghề truyền thống cá khô phát triển về quy mô sản xuất, đa dạng về chủng loại sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiệu quả là vậy. Tuy nhiên, số hộ chế biến cá khô trong làng đã giảm đáng kể. Anh Nguyễn Đức Toàn – cán bộ xã trăn trở: Trong tương lai, e rằng nghề này mai một.
Cái tên Xóm Mới có được từ hồi người dân nơi đây thoát cảnh khốn khó, nghèo túng nhờ con cá khô. Vì thế, khi nói đến tương lai, người trong làng tin tưởng lẫn tự hào vào truyền thống làm khô. Có thể hộ này ngưng để chuyển cho hộ khác làm. Người làm công tại các cơ sở chế biến sẽ là đối tượng kế thừa. Người dân địa phương đã từng bước đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất để hạn chế mức độ lệ thuộc vào thời tiết. Một số hộ đã đầu tư nâng cấp sân phơi, giàn phơi, thùng đựng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vấn đề hiện nay là cần sự hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo sự đồng bộ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Mặc dù đã có tiếng tăm về uy tín, chất lượng sản phẩm nhưng cá khô của làng nghề vẫn chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc vào hệ thống các siêu thị.
Xét trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ có cơ sở sản xuất cá khô Tư Rành (Ba Tri) đã tiến xa hơn một bước so với nhiều cơ sở sản xuất cá khô. Đó là cơ sở đóng gói sản phẩm và có ghi tên tuổi, địa chỉ sản xuất. Khô Tư Rành cũng được quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức. Cơ sở này vẫn còn phải quan tâm hơn đến nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đó là hạn sử dụng, là chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm… Làng nghề truyền thống chế biến cá khô Bình Thắng có sản phẩm đa dạng, gồm: khô mặn, khô tẩm gia vị và tôm khô. Khô được sản xuất theo phương pháp truyền thống nên chất lượng là nguyên chất, đậm đà. Nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay của người làm cá khô là sản phẩm chưa có bao bì, nhãn hiệu để được nâng cao giá trị và được bảo hộ trên thị trường.
Chỉ khi đạt được mong mỏi đó, người chế biến cá khô mới thật sự an tâm vào sản phẩm của mình, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao tay nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương.