Không như hầu hết các địa phương ven biển khác, hiện nay ngư dân vùng Gò Công Đông (Tiền Giang) vẫn khai thác được khá nhiều ruốc, nhờ nghề truyền thống đóng đáy.
Niềm vui trên cảng cá
Cảng cá Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông), một buổi trưa trời khá nắng nóng. Những chuyến thuyền vẫn hối hả ra vào cảng, kèm theo những sản vật được khai thác từ biển. Mùa này, bên cạnh cá, mực, tôm, ghẹ, ngư dân vùng Gò Công còn khai thác được khá nhiều ruốc. Đây là điều đặc biệt, khi dường như ngư dân nơi đây được mẹ biển ưu ái hơn, có ruốc quanh năm, trong khi những địa phương ven biển khác ruốc chỉ xuất hiện chừng 6 tháng trong năm (giai đoạn giáp Tết Nguyên đán cho tới chừng tháng 5).
Sơ chế ruốc để đem phơi
Dọc tuyến đường ven biển từ cảng Vàm Láng tới bến đò Đèn Đỏ bên Cửa Tiểu, là những sân phơi ruốc của ngư dân. Mùi tanh nồng mặn mòi bốc lên càng làm cho chúng tôi cảm nhận sâu hơn niềm vui của ngư dân nơi đây. Với họ, những con ruốc nhỏ bé chính là thứ sản vật quý giá nhất mà biển quê hương bao đời đã ban tặng, làm nên cuộc sống ấm no, sum vầy.
Ngồi bên mạn ghe chuẩn bị cập cảng đưa ruốc lên bờ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải (ấp Chợ, thị trấn Vàm Láng) cho biết, gia đình chị làm nghề đóng đáy ngoài vịnh Gành Rái nhiều năm nay. Thường chồng chị, anh Lâm ở ngoài đó canh đáy; tuần nào chị cũng cùng con trai đi ghe ra vớt đáy và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Nghề đóng đáy, nhìn chung rất vất vả, nhọc nhằn, nhưng bù lại nó không tốn nhiều chi phí xăng dầu nên phù hợp ngư dân nghèo. Hơn nữa, sản phẩm của nghề đáy thường là ruốc, kèm theo ghẹ, mực tôm, cá; trong đó, ruốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn, bởi ở vùng vịnh này, do địa hình mớn nước khá thấp nên ruốc rất phong phú, có quanh năm và nhiều nhất là dịp trước và sau tết cổ truyền. Được hỏi về số lượng ruốc gia đình chị thu được sau mỗi chuyến gỡ đáy, chị Hải kể: Nhà chị chỉ có 6 khẩu đáy nên mỗi chuyến chỉ thu được chừng 60 kg ruốc với một ít hải sản tạp. Hiện, ruốc đang thời điểm “trái mùa” nên giá khá cao (2.000 – 2.300 đồng/kg) mà lại dễ bán, không phải chờ đợi như lúc giữa mùa. Vì vậy, mỗi chuyến biển gia đình chị thu được gần 2 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu còn khoảng 1 triệu đồng. Với ngư dân nghèo vùng này, thế là vui rồi.
Anh Trần Văn Tám (ấp Lăng) cho biết: Anh làm nghề giã cào đã nhiều năm, chỉ đi ghe nhỏ do không có tiền đầu tư ghe lớn nên quanh năm chỉ quanh quẩn đánh bắt ở vịnh Đồng Tranh của vùng biển Gò Công này. Cũng may, vùng này luôn có ruốc nên gia đình anh vẫn sống được. Mỗi chuyến đi biển, anh cùng cậu em vợ đều thu được khoảng 20 kg ruốc, trừ chi phí còn lãi vài trăm nghìn đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quanh vịnh Gành Rái và vịnh Đồng Tranh này có cấu tạo hình với mớn nước khá thấp, phẳng, thu hút nhiều ngư dân tham gia đánh bắt, với các nghề chính là đóng đáy, giã cào, kéo đơn. Sản phẩm sau những chuyến biển, ngoài tôm, cá, ghẹ, mực, còn luôn luôn có ruốc, tuy từng ghe nhiều ít khác nhau. Chính vì thế, ngư dân Gò Công coi con ruốc là một cứu cánh những lúc đi biển khó khăn.
Đặc sản miền quê biển
Ông Phạm Văn Năm (xã Kiểng Phước) cho biết, gia đình ông đã 4 đời đi biển và làm nghề đóng đáy trên vịnh Đồng Tranh. Bản thân ông hồi trẻ cũng từng có mấy chục năm canh đáy, kéo ruốc ngoài vịnh; hiện, do tuổi cao chỉ ở nhà và giao lại việc ấy cho 3 con trai. Các con ông đứa nào cũng có chừng chục khẩu đáy ngoài vịnh nên mỗi tuần gia đình ông đều có thu hoạch hàng trăm kg ruốc. Không như những ngư dân khác thường bán ruốc tươi cho thương lái, gia đình ông Năm chọn cách sơ chế ruốc rồi đem phơi khô, sau đó mới bán cho tiểu thương Mỹ Tho, Tân An, TP Hồ Chí Minh… Mỗi đợt ruốc sau khi phơi khô, 2 – 3 ngày nắng, có giá 3.500 – 4.000 đồng/kg. Lúc đó, ruốc sẽ được đóng gói gửi đến các mối khách quen bằng ghe thuyền hoặc xe đò.
Mùa ruốc Gò Công Đông
Cũng là ruốc nhưng ở Gò Công chúng được đánh bắt và đem vào bờ luôn trong ngày nên chất lượng tốt hơn nơi khác thường phải ướp đá lạnh một thời gian. Cộng thêm những bí quyết gia truyền và bàn tay khéo của những người dân nơi đây đã làm nên món mắm ruốc ngon nức tiếng. Ở Gò Công Đông hiện có nhiều lò làm mắm ruốc, nhưng những vựa mắm của Bà Tám, Thím Tư, Mợ Út… nổi tiếng hơn cả. Những con ruốc nhỏ bé sau khi được chế biến làm mắm vẫn giữ nguyên hình hài với màu gạch non nhìn bắt mắt…
>> Ruốc Gò Công từ lâu được nhiều người biết đến bởi mùi vị thơm ngon, có thể dùng làm nhiều món ăn (canh, nộm, chiên, ram…). Tuy nhiên, món ăn ngon nhất từ ruốc của người dân miền biển Gò Công chính là mắm ruốc. Mắm ruốc đã trở thành một nét văn hóa vùng Gò Công hàng trăm năm nay. |