Lời giải nào cho bài toán cá ngừ?

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá ngừ được xác định là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, với sự tăng trưởng khả quan cả về giá trị và sản lượng. Tuy nhiên, tình hình sản xuất trong nước còn nhiều vấn đề nan giải.

Khó từ nhiều phía

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, hiện nay tàu khai thác cá ngừ xa bờ chủ yếu là vỏ gỗ có công suất máy 45 CV trở lên, tàu câu cá thì 90 CV trở lên. Hầm bảo quản trên tàu phần lớn sử dụng vật liệu xốp ghép, khả năng giữ lạnh thấp, mức tiêu hao đá lớn. Phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đảm bảo yêu cầu (vệ sinh an toàn thực phẩm, hầm bảo quản chất lượng thấp…). Mặt khác, sự liên kết giữa các bên (khai thác, thu mua, tiêu thụ sản phẩm) còn yếu kém, chưa chia sẻ được lợi ích với ngư dân, sản phẩm còn phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp, cơ sở thu mua và nậu vựa…  

Hiện, tàu khai thác cá ngừ xa bờ chủ yếu là tàu gỗ công suất máy 45 CV trở lên – Ảnh: Xuân Trường

Nhiều chuyên gia thủy sản lưu ý thực tế: Trong chuỗi sản xuất, ngư dân vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào nậu vựa, chưa quyết định được giá bán, vẫn bị ép giá; mối liên kết giữa ngư dân – nậu vựa và nậu vựa – chế biến, xuất khẩu chưa được quan tâm nhiều, chưa điều tiết hợp lý. Mặt khác, vai trò các hiệp hội còn mờ nhạt, chưa tạo được hiệu quả thiết thực (sản xuất và bảo vệ quyền lợi ngư dân)… Ngư dân chưa có đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu với trang thiết bị hiện đại, nên chất lượng cá sau thu hoạch thấp. Mặt khác, hiệu quả mô hình tổ đội tàu mẹ đi thu mua và cung cấp nguyên liệu trên biển chưa nhiều, vì chi phí cho mỗi chuyến biển khá cao, khai thác lại nhỏ lẻ…

 

Giải pháp nào?

Tháng 8 vừa qua, tại Hội thảo về sản xuất, tiêu thụ cá ngừ, do Tổng cục Thủy sản tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ đã giao Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (KT&BVNLTS) soạn Dự thảo Đề án thí điểm “Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, thực hiện từ năm 2014 đến 2020, tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Mục tiêu nhằm sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo lợi ích các bên tham gia; phát triển ngành cá ngừ hiệu quả, bền vững trên cơ sở định hướng của thị trường. Đến năm 2020, tàu khai thác cá ngừ được quản lý bằng cấp phép sản lượng khai thác, hoạt động theo mô hình tổ đội, liên kết sản xuất trên biển; 50% tàu đóng mới khai thác cá ngừ bằng vật liệu vỏ thép hoặc vật liệu mới; 100% tàu đóng mới được trang bị hệ thống bảo quản tiên tiến; giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%.

Ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Khánh Hòa cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là giá cá ngừ; nếu tạo được sự ổn định về giá thì cả người dân và doanh nghiệp sẽ cùng có lợi. Ông Đào cũng đồng tình với việc thành lập chợ đấu giá để tránh tình trạng ngư dân bị ép giá, tranh giành giá giữa các đơn vị mua. Còn ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lưu ý: Cần cấp vốn cho ngư dân; nếu chỉ có nậu vựa mua thì hiệu quả không cao, ngư dân vẫn không có lợi nhuận.

Về phần Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Chủ tịch Vũ Đình Đáp đề nghị, để giải quyết mối quan hệ giữa ngư dân, nhà chế biến và nậu vựa, Hiệp hội sẽ điều phối hoạt động 3 thành phần này trên cơ sở thúc đẩy sản xuất phát triển (sản phẩm chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chế biến kinh doanh có lãi, nậu vựa có lãi trên tỷ lệ % sản phẩm). Như vậy, cần có tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm cá tươi để xây dựng khung giá cho từng chuyến biển, thời điểm, để hoạt động hài hòa, làm cơ sở cho việc hình thành chợ đấu giá trên thị trường cá ngừ tại địa phương.

>> Trước năm 2012, hầu hết tàu khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu bằng câu vàng, tỷ lệ cá có chất lượng ăn tươi 30 – 40%, có tàu 70 – 80%. Nhưng từ năm 2012 lại đây, do phát triển ồ ạt hình thức câu tay kết hợp ánh sáng, chất lượng cá thu hoạch giảm nhiều, chất lượng ăn tươi chỉ đạt 5 – 6%.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!