Ông Nguyễn Văn Thấy (73 tuổi), ngụ tổ 3, ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh (khu vực hạ du cầu Gò Dầu) là một trong những người nuôi cá bè lâu năm ở đây.
Ông Thấy quê ở An Giang, lên Tây Ninh mưu sinh từ 20 năm trước. Lúc mới về đây, gia đình ông hoàn toàn trắng tay, chỉ có chiếc ghe nhỏ cũ vừa là “nhà”, vừa là phương tiện đánh bắt cá kiếm sống.
Ngoài cá đánh bắt được trên sông, nguồn thu từ nuôi cá bè rất quan trọng. “Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, cá sông đã dần cạn kiệt”, ông Thấy nói.
Ông Thấy bên vèo cá giống đang ươm
Cần cù lao động và biết cách nuôi cá hiệu quả nên dần dà hai vợ chồng ông dành dụm mua được đất, cất được nhà, sắm sửa thêm phương tiện đánh bắt cá. Sau 20 năm, các con ông giờ đã trưởng thành và đều có cuộc sống ổn định. Hiện nhà ông Thấy có 3 lao động chính (ông Thấy và hai con) nhưng mỗi năm có thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ nuôi cá lóc bè và đánh bắt thuỷ sản trên sông.
Theo ông Trần Ngọc Yến – Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh, ông Thấy được xem là người đầu tiên nuôi cá bè và phát triển nghề này ở khu vực ven sông Vàm thuộc xã An Thạnh (hiện có khoảng 20 hộ nuôi, tương đối hiệu quả). Những người nuôi cá bè chưa có kinh nghiệm thường tìm đến nhờ ông Thấy hướng dẫn kỹ thuật.
Ông Thấy cho biết, để nuôi cá hiệu quả, đầu tiên là phải chọn giống kỹ. Cá giống được ông đặt mua từ một tỉnh miền Tây, sau khi chọn lựa kỹ và đặt hợp đồng dài hạn. Mỗi đợt, ông mua trên dưới 10 ngàn con cá giống, một phần để nuôi, một phần bán cho các hộ nuôi cá bè khác. “Thả nuôi giống tốt, khoẻ thì người nuôi đỡ lo cá chậm phát triển, ít mắc bệnh nên giảm được chi phí phát sinh”.
Làng cá bè ven sông, khu vực hạ du cầu Gò Dầu
Do ở ven sông, gia đình có phương tiện và kinh nghiệm đánh bắt cá nên ông Thấy và các con bỏ công đi bắt cá mồi nuôi cá lóc, giảm đáng kể chi phí mua thức ăn cho cá. Ông cho biết, để có một tấn cá thịt, người nuôi tốn bình quân khoảng 4 tấn cá mồi, chi phí thấp nhất cũng khoảng 20 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, mỗi lứa cá dao động từ 90 đến 100 ngày nuôi, nếu chịu khó đi bắt cá mồi sẽ tiết kiệm được hàng chục triệu đồng, bình quân mỗi ngày bớt được khoảng nửa triệu đồng tiền thức ăn cho cá.
Tuy nhiên, những năm gần đây, người nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Đông luôn thắc thỏm lo âu trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông. “Dù cá lóc bè có sức đề kháng tốt nhưng những khi nước sông ô nhiễm nặng mà chúng tôi không phát hiện kịp thời để xử lý nước hoặc đưa cá lên ao trên bờ thì thế nào cá cũng bị ảnh hưởng, chậm lớn, trọng lượng giảm hoặc bị bệnh”, ông Thấy cho biết thêm.
Theo Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh, hiện người nuôi cá khu vực ven sông thuộc địa bàn xã cần được cơ quan chuyên môn hướng dẫn thêm về kỹ thuật và cần được hỗ trợ vốn để họ giảm chi phí do phải “vay nóng” bên ngoài.
Nếu nguồn nước sông không bị ô nhiễm, người dân được trang bị kỹ thuật nuôi và có đủ vốn, nghề nuôi cá bè sẽ giúp nhiều người thoát nghèo.