Ở vùng biển bán ngập Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) hiện có hàng trăm ngư dân chuyên nghề săn bạch tuộc. Họ sống rải rác trên các sông, kênh, rạch, bên những gốc bần, đước chằng chịt.
Đặt bẫy dọc sông
Có mặt ở chân cầu Dần Xây trên đường Rừng Sác thuộc địa phận xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) khoảng giữa trưa, chúng tôi thấy có mấy chiếc ghe dăm mã lực, dài khoảng chục mét đang neo dưới chân cầu.
Xuống một chiếc ghe mỏng mảnh, gặp anh Đào Văn Tới, 38 tuổi, người gốc vùng Chợ Gạo (Tiền Giang) được biết, anh Tới cùng vợ và đứa con trai đã lưu lạc lên vùng Cần Giờ này làm nghề săn bạch tuộc được gần chục năm. Anh Tới kể: Bạch tuộc là loài nhuyễn thể giống mực nhưng thân hình tròn hơn, râu dài và có khả năng bám chắc hơn nhiều; tập quán sinh sống cũng khác mực. Ở Cần Giờ, khắp nơi đều có bạch tuộc. Chúng sống từng con riêng lẻ chứ không đi theo đàn, khiến cho việc đánh bắt không thuận lợi như những loài thủy sản khác. Để bắt chúng, phải lần tìm những nơi chúng sẽ tới.
Anh Tới giong ghe đi kiểm tra bẫy – Ảnh: Đoàn Đại Trí
Chúng tôi theo ghe của vợ chồng anh Tới, tiến vào khu đặt lờ săn bạch tuộc của gia đình anh. Chiếc ghe vào sông Mùng Năm nhỏ bé. Nơi đây, ngoài những hàng đước, mắm mọc lan man khắp mặt đất bùn nhão, chỉ có dòng nước lững lờ trôi. Chỉ tay ra khúc bờ sông nhấp nhô những chiếc lờ, anh Tới bảo: Bắt đầu từ đoạn cây mắm gãy ngọn kia cho tới sát chỗ mé nước chảy từ rừng xuống rạch đều có đặt lờ, dài hơn 400 mét, dọc theo hướng chảy của dòng sông. Mỗi đoạn lờ được đan thiết kế hình chữ nhật, có khung sắt bao quanh và lưới khâu túm hai đầu so le nhau. Khi thủy triều xuống, vợ chồng anh bắt đầu đi đặt lờ, dùng nan tre ghim xuống bùn nhão để giữ cố định. Đợi lúc triều lên, những chú bạch tuộc dưới lòng kênh rạch sẽ men theo con nước, bò lên trên phía rừng, nơi có gốc mắm, gốc đước, trang hay bần để kiếm thức ăn. Thế là chúng chẳng may rơi vào bẫy của người săn bạch tuộc. Chế độ thủy triều vùng biển Cần Giờ là bán nhật triều, mỗi ngày con nước lên xuống 2 lần, cũng là 2 lần ngư dân đi gỡ lờ. Việc gỡ lờ rất đơn giản, chỉ cần chèo ghe men theo những dãy lờ đã đặt, thấy cái nào có bạch tuộc thì đưa lên. Tuy nhiên, do thủy triều xuống một trong hai lần là vào ban đêm nên với những ngư dân săn bạch tuộc, đêm nào cũng phải thức canh con nước rồi soi đèn đi gỡ bạch tuộc; nếu con nước sau thì chúng không dính bẫy nữa.
Tuy nhiên, vì địa hình quá rộng nên muốn bắt được chúng cực kỳ vất vả, chỉ thợ săn lành nghề mới làm được. Do vậy, với non nửa cây số lờ đặt bẫy, một gia đình ngư dân có thể bắt được dăm chục con với tổng trọng lượng 2 – 3 kg. Giá bán bạch tuộc còn sống ngay tại ghe của ngư dân hiện tại 180.000 – 200.000 đồng/kg; có hôm khan hàng, giá tăng tới 250.000 đồng/kg loại 1.
Bấp bênh theo từng con triều
Ông Tám “đờn ca” kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Lý Nhơn này nên từ bé đã thuộc từng dòng kênh, con rạch, gốc trang, gốc bần. Trước kia, nơi đây ngập mênh mông nên có rất nhiều tôm cá, cua, ghẹ, rạm, ốc… Chỉ cần loanh quanh một buổi thả lưới, thả câu, kiểu gì cũng đầy khoang. Thế nhưng, cách đây chừng chục năm, những người di cư từ Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai)… đến đây đào ao nuôi tôm, khoanh vùng kênh rạch, làm biến đổi dòng chảy, hướng nước, hướng triều, đã khiến vùng rừng ngập mặn này biến đổi rất nhiều, nguồn lợi tự nhiên cũng dần cạn kiệt mà. Con tôm, con cá theo nhau đi về phía biển hết. Bí đường, tôi phải làm nghề săn bạch tuộc, dù biết nó vô cùng bất trắc, mà lại chỉ có thể mưu sinh trong nửa năm mùa khô chứ chừng hơn tháng nữa, mùa mưa tới thì bạch tuộc sẽ theo nhau về phía vịnh Gành Rái hết, chả còn con nào mà săn.
Bạch tuộc vốn là loài thủy sản nước mặn nên chỉ thường men theo kênh ngược vào rừng ở các đoạn nước có độ phèn mặn cao. Khi mùa mưa tới (khoảng đầu tháng 8), nước từ thượng nguồn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… sẽ đổ về vùng bán đảo Cần Giờ khiến cho độ mặn của nước giảm nhanh, bạch tuộc không sống được. Từ lúc ấy tới hết mùa mưa, khoảng gần tết Nguyên Đán, hầu hết các ngư dân săn bạch tuộc lại phải vật vã mưu sinh bằng cách khác (như bắt cua, ốc, sá sùng, ong mật… trong rừng), đợi các con triều từ biển tràn vào.
Chỉ tay ra con sông Đồng Dinh mênh mang nước chảy, ông Tám bảo: “Với người săn bạch tuộc, quan trọng nhất là những con triều. Giữa hai lần con triều lên và xuống, ngư dân bắt buộc phải gỡ lờ và đặt lại chứ nếu không, bạch tuộc ngửi thấy “mùi”, sẽ kéo nhau đi nơi khác ngay. Hơn nữa, cũng không nên đặt lờ ở những khúc sông cố định mà phải thường xuyên thay đổi địa điểm ở những cánh rừng có nhiều lá mục, cây non hay trái bần chín rụng xuống, vì đó là nơi bạch tuộc sẽ tìm đến kiếm ăn. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc ông trời vì nhiều khi, con nước triều mới xuống mà mưa cũng xuống theo thì nước bị rửa mặn, bạch tuộc sẽ không vào nên chỉ còn biết thu lờ đi nơi khác, đợi con triều sau. Như mấy bữa nay, những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu rải rác khiến cho sản lượng bạch tuộc thu được cũng giảm đi rõ rệt, nên tôi định cùng vợ vào rừng bắt ba khía chứ cứ trông chờ bạch tuộc thì có khi chết đói”.
>> Bán đảo hơn 37.000 ha, với mênh mông rừng bán ngập mặn, hàng trăm kênh rạch chằng chịt. Vùng nước Cần Giờ là nơi sống lý tưởng của loài bạch tuộc. Ở đây, bạch tuộc là nguồn tài nguyên nuôi sống hàng trăm gia đình ngư dân nghèo. |