Hóa giải khó khăn trong nuôi tôm trái vụ

Chưa có đánh giá về bài viết

Lợi nhuận mang lại khá, thời gian nuôi ngắn, đầu tư không lớn… nên mặc dù được khuyến cáo nhưng người nuôi tôm vẫn tiếp tục xuống giống nuôi trái vụ. Tuy nhiên, thành công lại rất bấp bênh.

Tồn dư kháng sinh, hóa chất

Theo các chuyên gia thủy sản, chất thải (bao gồm hóa chất, thuốc và mùn bã hữu cơ) sau khi sử dụng trong nuôi tôm phải cần thời gian 2 tháng trở lên để phân hủy và chuyển sang dạng khác ít độc hại hơn bằng nhiều con đường (như phân hủy do vi khuẩn, hấp thụ do rong tảo, bay hơi, trung hòa và vận chuyển đi nơi khác bằng việc cải tạo sên vét ao đầm, bón vôi và phơi đáy).

Tuy nhiên, do nuôi vụ nghịch ngắn (tháng 11 đến tháng 2 năm sau) nên không có thời gian ngắt vụ, các ao đầm nuôi chỉ được sên vét bùn đáy ao, bón vôi, lấy nước, tẩy trùng rồi thả giống mà hầu như không được phơi đáy. Nên những mầm bệnh của vụ nuôi trước có nguy cơ lây sang vụ sau.

Lượng chất thải hữu cơ trong quá trình nuôi tôm, khi phân hủy sản sinh nhiều khí độc (H2S, NH3) cùng một lượng lớn hợp chất nitơ, photpho, gây nên sự siêu dinh dưỡng và rộng dinh dưỡng trong nước, kéo theo sự nở rộ của tảo và gia tăng sinh khối các loài vi khuẩn mà trong đó có Vibrio parahaemolyticus – tác giả của Hội chứng EMS. Các sản phẩm sử dụng để xử lý môi trường trong quá trình nuôi tôm hầu hết đều là chất độc hại, nên sau khi sử dụng, dư lượng của chúng sẽ tích tụ trong nước và đất ao đầm, khi đủ lượng sẽ phát tác gây chết tôm hàng loạt, đồng thời làm chai cứng nền đáy, khó gây màu nước.

Rủi ro khi nuôi tôm vụ nghịch là rất cao – Ảnh: PTC

Mặt khác, việc sử dụng kháng sinh thường xuyên sẽ dễ dẫn đến nguy cơ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc và rất khó tiêu diệt khi chúng phát triển trở lại. Hơn nữa, dư lượng hóa chất, thuốc và chất thải hữu cơ ở vùng nuôi thải ra mà không qua xử lý là nguyên nhân chính của hàng loạt dịch bệnh trên tôm (như đốm trắng, đầu vàng, EMS); đây là những bệnh gây chết tôm trong thời gian ngắn, có thể lây lan nhanh, mức độ thiệt hại rất lớn.

Theo chuyên gia bệnh thủy sản Bùi Quang Tề, bệnh trên tôm chỉ bùng phát khi hội tụ đủ 3 yếu tố: môi trường, sức khỏe tôm nuôi và mầm bệnh. Trong khi môi trường nước luôn trong tình trạng ô nhiễm cả về vô cơ lẫn hữu cơ, mầm bệnh luôn tiềm ẩn cùng mật độ nuôi cao, tôm sẽ không tránh khỏi stress, sức khỏe yếu thì  dịch bệnh xảy ra cũng dễ hiểu.

 

Khắc phục

Ông Nguyễn Văn Buội, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bến Tre cho biết: Nuôi tôm vụ nghịch đầu tư lớn nhưng tỷ lệ thành công lại thấp hơn nuôi chính vụ. Khi thất bại, không những gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ nuôi  mà còn làm tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan sang diện tích nuôi chính vụ.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu muốn nuôi tôm vụ nghịch có cơ hội thành công cao thì ngoài kỹ thuật cơ bản, người nuôi phải hiểu rõ thời tiết tại vùng nuôi. Trong quá trình nuôi cần hạn chế thay nước, thả mật độ thưa, dùng nước giếng khoan, trải bạt nền đáy, sử dụng hệ thống nâng nhiệt hoặc dâng nước ao để ổn định nhiệt độ nước và dùng chế phẩm sinh học xử lý môi trường”.

Hiện nay, nuôi tôm vụ nghịch hằng năm chiếm 15 – 20% diện tích nuôi toàn ngành. Trung bình đầu tư nuôi một vụ tôm nghịch hết 300 – 350 triệu đồng/ha. Nếu thành công sẽ mang lại lợi nhuận 150 – 200 triệu đồng/ha, nhưng nếu thất bại thì người nuôi sẽ trắng tay. Kết quả thống kê những năm gần đây cho thấy tỷ lệ thành công của nuôi tôm vụ nghịch thấp (30 – 40%); do vậy người nuôi cần cân nhắc trước khi quyết định nuôi.

Dương Tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!