Tìm nguyên nhân làm cá sông Bưởi chết hàng loạt

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian gần đây, người dân hai bên bờ sông Bưởi thuộc huyện Thạch Thành ( Thanh Hóa) phát hiện nước sông có mùi hôi thối, cá chết hàng loạt. Nhiều hộ vớt được từ 30 kg đến 70kg cá chết, những gia đình có thuyền vớt được cả trăm kg cá chết. Người dân địa phương cho hay, đây là hiện tượng bất thường trong nhiều năm trở lại đây.

Thanh Hóa: Cá chết hàng loạt trên thượng nguồn sông Bưởi

Tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nằm phía thượng nguồn sông Bưởi, cách xã Thạch Lâm khoảng 10km có nhà máy chế biến tinh bột sắn. Nhân dân kiến nghị các ngành chức năng xác định rõ nguyên nhân nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm có phải là do nước thải của nhà máy này?

Cá chết trên sông Bưởi được thu gom để xử lý.

Ngày 17/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân cá sông Bưởi chết hàng loạt. Đoàn công tác đã đến bản Biện, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành phát hiện vẫn còn xác cá chết dạt vào bờ hoặc nổi rải rác trên mặt nước. Làm việc với Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu của Công ty TNHH một thành viên Tân Hiếu Hưng ở xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Giám đốc Trần Sỹ Trọng thừa nhận có sự cố vỡ cống thu gom nước thải làm nước thải chảy trực tiếp ra môi trường, đổ xuống sông Bưởi vào đêm ngày 6 rạng sáng ngày 7/12.

Được biết, nhà máy trên phát sinh khoảng 1.200 đến 1.300 m3 nước thải/ ngày đêm. Theo quy trình, nước thải được dẫn vào hệ thống biogas, sau đó chảy vào bốn bể điều hòa để tiếp tục xử lý bằng men vi sinh. Đến giai đoạn này nước thải có thể tự ngấm xuống đất, phần còn lại thải ra sông Bưởi.

Trước đó, ngày 22/11/2013, sau khi thanh tra tại công ty này, đoàn công tác của Tổng cục Môi trường đã chỉ rõ những tồn tại cùng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty Tân Hiếu Hưng như: xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường theo nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; hệ thống xử lý nước thải của công ty so với nội dung báo cáo đã được phê duyệt thiếu bể điều hòa và xử lý bằng hóa chất. Đến thời điểm xảy ra sự cố vỡ cống gom nước thải mà lãnh đạo công ty thừa nhận, nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu vẫn chưa có giấy chứng nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo yêu cầu của Tổng cục Môi trường.

Trong chuyến công tác phối hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu nước thải tại vị trí xả thải của nhà máy để phân tích, đánh giá chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường và nước thải chưa qua xử lý trong môi trường. Căn cứ kết quả phân tích mẫu nước thải, Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh: Thanh Hóa và Hòa Bình sẽ sớm có kết luận chính thức về việc xả nước thải ra sông của nhà máy này.

Thanh Duy

Nhân Dân Điện tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!