Sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá nước lạnh đạt hiệu quả, người nuôi cần tìm hiểu kỹ đặc điểm dinh dưỡng và nhu cầu thức ăn của cá, đồng thời phải chọn tốt loại thức ăn và có cách cho ăn hợp lý.
Tình hình sử dụng
Nghề nuôi cá nước lạnh được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I khởi động năm 2005 tại Sa Pa (Lào Cai). Đến nay, sau 6 năm thử nghiệm, phong trào nuôi đã phát triển mạnh ở hơn 14 tỉnh; điển hình là Lào Cai, Lâm Đồng, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La. Năm 2012, sản lượng cá nước lạnh cả nước đã đạt 800 tấn. Cùng với việc nhập khẩu con giống, mỗi năm nước ta vẫn phải nhập thêm thức ăn cho cá nước lạnh từ Pháp, Hà Lan… Năm 2011, Việt Nam đã nhập khoảng 350 tấn, năm 2012 hơn 400 tấn. Giá nhập khẩu thức ăn khoảng trên 50.000 đồng/kg.
Đặc điểm dinh dưỡng
Cá tầm và cá hồi là hai loài cá nước lạnh được nhập vào nuôi ở nước ta, sống thích hợp ở nhiệt độ 15 – 230C đối với cá hồi và 23 – 300C đối với cá tầm. Trong tự nhiên, hai loài cá này được xếp vào loài ăn động vật, lúc nhỏ ăn ấu trùng, giáp xác nhỏ; khi lớn ăn tôm cua, nhuyễn thể, côn trùng và cả cá con. Trong điều kiện nuôi nhân tạo, thức ăn của chúng là cám công nghiệp dạng viên chìm, có độ đạm và chất béo cao. Nhu cầu đạm 40 – 70%, chất béo 20 – 30%, cá càng lớn thì nhu cầu đạm càng cao, còn nhu cầu chất béo thì ngược lại. Đối với nuôi thương phẩm, cá hồi và cá tầm giống thường nuôi trong các bể xi măng, composite hoặc lót bạt có dòng chảy nhẹ, hàm lượng ôxy 6 mg/l trở lên. Cá tầm và cá hồi không phải loài phàm ăn nên trong quá trình sản xuất thức ăn nên tính đến khả năng lan tỏa thức ăn trong nước để tránh thất thoát dinh dưỡng thức ăn.
Người nuôi cá nước lạnh cần lựa chọn tốt loại thức ăn cho cá và có cách cho ăn hợp lý – Ảnh: Huy Hùng
Phương pháp cho ăn
Giai đoạn giống, do đặc tính sống ở môi trường nước chảy và mật độ thả dày (800 – 1.000 con/m3 nước) nên cá giống cần phải cho ăn liên tục 4 giờ/lần, thức ăn được chia đều cho các lần cho ăn; Liều lượng hằng ngày chiếm 6 – 10% trọng lượng thân cá. Giai đoạn này thức ăn phải có các cỡ khác nhau, từ dạng mảnh vụn đến 2mm.
Khi cho ăn, nên vặn nhỏ van cấp nước, sau đó mới rải đều thức ăn lên mặt bể, để cá được ăn đều, tránh hiện tượng cá còi. Sau 15 phút cá ăn hết thức ăn thì duy trì lưu tốc dòng nước trở lại, cần kiểm tra xem cá đã ăn hết thức ăn hay chưa, để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Ở giai đoạn giống cá rất nhạy cảm với nhiệt độ nước, nếu nhiệt độ cao hơn ngưỡng thích hợp, cần giảm 50% lượng thức ăn và dâng nước trong bể cao hơn bình thường 20 – 30cm (nếu có thể); đồng thời, tăng lưu tốc dòng chảy 10 – 15% so với bình thường để kích thích hoạt động cho cá. Giai đoạn này, muốn cá khỏe mạnh và tỷ lệ sống cao, người nuôi cần chọn mua loại thức ăn chuyên dụng nhập từ Hà Lan, tuy giá cao hơn nhưng thức ăn đảm bảo chất lượng, đủ thành phần dinh dưỡng, các axit amin và vitamin thiết yếu giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Giai đoạn nuôi thương phẩm, đối với cá hồi thường được nuôi trong bể ngoài trời với diện tích từ vài chục đến hàng trăm m2. Đối với cá tầm, ngoài việc nuôi trong bể, ao diện tích nhỏ, phần lớn được chuyển ra nuôi lồng ở hồ chứa có độ sâu lớn. Do giá thức ăn nhập khẩu cao nên một số doanh nghiệp nuôi cá đã chuyển sang sử dụng loại thức ăn chìm cho nuôi cá biển của một số công ty (như Uni-President, Tomboy – Skretting, Kinh Bắc…). Đối với cá hồi vân thì sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm cao hơn (>45%), còn cá tầm sử dụng thức ăn 40% đạm trở lên.
Khi nuôi thương phẩm cá hồi từ 50 g/con trở lên có thể cho ăn 4 lần/ngày với liều lượng thức ăn 2 – 5% trọng lượng thân, và cần chú ý nhiệt độ, độ đục của nước. Khi nhiệt độ nước cao (>250C) cá sẽ giảm ăn và hoạt động kém, nếu nhiệt độ cao kéo dài chúng sẽ sinh bệnh lở loét trên cơ thể và chết dần, do vậy cần giảm 30 – 50% thức ăn, đồng thời san thưa cá. Cần căn cứ vào kích cỡ của cá mà cho cá ăn với kích cỡ viên thức ăn khác nhau (2 – 6 mm).
Cá tầm là loài cá ăn chìm dưới đáy, khi nuôi trong ao, bể thì cho ăn như nuôi cá hồi, trong thời gian nuôi cần chú ý khi trời mưa nước cấp vào bể nuôi sẽ bị đục nên cần ngưng không cho cá ăn, nếu mưa kéo dài cần giảm thức ăn 20 – 30% so bình thường.
Cá tầm nuôi ngoài lồng trên hồ chứa, do tính chất lồng nuôi rộng, sâu (5 – 7 m) và có dòng chảy nên khi cho cá ăn cần sử dụng ống nhựa dài bằng độ sâu của lồng, đường kính 30cm. Khi cho ăn, người nuôi nên đứng ở thành lồng, cắm ống nhựa xuống nước cách đáy 1,5 – 2m, sau đó đổ thức ăn qua phễu vào ống nhựa để thức ăn theo ống xuống đáy lồng, giúp cá ăn được hết thức ăn, tránh lãng phí do bị phát tán ra bên ngoài hoặc trôi theo dòng chảy.
Do thức ăn cho các đối tượng thường là những loại thức ăn có hàm lượng protein và lipid cao hơn nhiều so với thức ăn của các loại cá bình thường, cùng điều kiện khí hậu khi mưa nắng thất thường, không khí có độ ẩm cao, nên người nuôi phải chú ý bảo quản thức ăn, tránh hiện tượng thức ăn bị ẩm mốc, cá ăn vào dễ ngộ độc.
>> Nuôi cá nước lạnh cần thức ăn có hàm lượng đạm 40% trở lên. Hiện nay, giá thức ăn nhập khẩu rất cao nên một số doanh nghiệp nuôi cá đã chuyển sang sử dụng các loại thức ăn nuôi cá biển mà vẫn hiệu quả. |
Em muốn nhap cam về bán được không a