Ngành thủy sản kết thúc năm 2013 với một sự thắng lợi khi “tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng và vị trí các đối tượng chủ lực”. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự “thắng – thua” này còn nhờ may rủi.
Thắng do may, thua đổi lỗi
Ấn tượng dễ thấy nhất về tôm nước lợ năm 2013 là sản lượng tôm thẻ chân trắng (TTCT) vượt tôm sú. Nhiều người nuôi TTCT thu lãi lớn. Ông Lương Văn Tốt (ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) nuôi 8 ha, thu hoạch trên 60 tấn TTCT, bán trên 7 tỷ đồng, lãi ròng hơn 2,5 tỷ đồng. Ông Ngô Văn Kim (ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang) chuyển hơn 0,4 ha nuôi tôm sú sang TTCT, sau gần 3 tháng, thu lãi 330 triệu đồng.
Đánh giá của Tổng cục Thủy sản: “Một năm được mùa, được giá đối với tôm nước lợ mà TTCT đã góp phần tạo nên sự thay đổi ấn tượng bằng việc kịp thời chớp cơ hội, bù đắp vào sản lượng sụt giảm tại nhiều nước do dịch bệnh, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 3 thế giới về sản lượng tôm”. Như thế, thắng lợi của tôm nước lợ có yếu tố “ăn may”, nhờ khi nhiều nước khác gặp rủi ro.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản: “Năm nay, sản xuất cá tra đối mặt nhiều thách thức: giá cá tra xuất khẩu trong xu thế giảm liên tục; hai thị trường chính Mỹ, EU đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn, môi trường khắt khe; tại một số thời điểm sản xuất cá tra đã bộc lộ những mâu thuẫn chưa được giải quyết căn bản”.
Năm 2013, ngành tôm “thắng lợi kép” – Ảnh: PTC
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng, nhận xét thực trạng nặng nề trong ngành cá tra là “đổ lỗi cho nhau”. Ông Dũng nói: “Chẳng hạn hộ nuôi trong khi khẳng định về mình thì đổ lỗi cho nhà chế biến. Nhà chế biến đổ lỗi chính sách. Cả hộ nuôi và nhà chế biến thì đổ lỗi ngân hàng. Các ngân hàng thì đổ lỗi doanh nghiệp không trung thực”. Kết quả, ngành cá tra “đầy những người luôn tự cho mình là đúng” trong điều kiện thông tin toàn ngành yếu kém nên “thiếu hợp tác và mỗi người theo đuổi lợi ích riêng”. Nên, để ngành cá tra phát triển thì cần “tránh thái độ thiên lệch đổ lỗi người khác trong khi khẳng định điều tốt về mình” để đẩy mạnh liên kết chuỗi gía trị, ông Dũng cho biết thêm.
Và vấn đề quy hoạch?
Chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm sú như năm 2013, diện tích TTCT giảm còn 50.000 ha, bằng 75,8% năm 2013. Theo đó, sản lượng TTCT cũng chỉ bằng 89,3% năm 2013.
Nhưng chỉ tiêu đó đã có nguy cơ bị phá vỡ từ bây giờ. Ở tỉnh Trà Vinh, năm 2013 sản lượng TTCT tăng hơn 10 lần năm 2012. Nay đã có kế hoạch thả nuôi năm 2014 gấp hai lần năm 2013.Phó giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, ông Phạm Minh Truyền, lo lắng về nguy cơ phá vỡ quy hoạch.
Nước ta lại chưa chủ động được giống TTCT, chủ yếu còn nhập khẩu. Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước chỉ có 583 cơ sở sản xuất giống TTCT. Vừa rồi, Tổng cục đã hợp tác kiểm tra phát hiện Công ty Winaiphonoi ở 58/38 Moo Rawaisub, Muang, Phuket (Thailand) sản xuất TTCT bố mẹ không đảm bảo chất lượng, cung cấp cho 4 doanh nghiệp tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nhấn mạnh: “Việc phát triển TTCT còn nhiều nguy cơ khi Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống”.
Nhiệm vụ “trọng tâm” hàng đầu về chỉ đạo kế hoạch sản xuất năm 2014, Tổng cục Thủy sản xác định: “Tiếp tục rà soát quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng thủy sản; điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi, ưu tiên các đối tượng chủ lực”. Việc quy hoạch vùng nuôi thủy sản đã được đặt ra nhiều năm qua.
Nhưng ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An chuyên nuôi cá tra ở Cần Thơ vẫn đặt câu hỏi “đã ai quy hoạch vùng nuôi cá tra chưa?”. Ông Hải nói: “Có người chê nông dân nhỏ lẻ không biết tập trung lại, nhưng đã ai quy hoạch vùng nuôi cá tra chưa, hay cứ lo quy hoạch khu công nghiệp để bỏ hoang?”.
>> Theo VASEP, năm 2013, nhiều doanh nghiệp chế biến của nước ta phải nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ 270.000 tấn, Ecuador 230.000 tấn. Nếu con số thống kê này chính xác thì có thể thấy, lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu bằng 91,2% lượng tôm nuôi trong nước. Nên lợi nhuận xuất khẩu không hoàn toàn đem về cho người nuôi Việt Nam. |