Những tháng cuối năm 2013, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Bình Thuận thường có nước lớn, dễ bị xâm thực, như ở Hòa Phú, Chí Công, Bình Thạnh (Tuy Phong); Tân Thuận, Thuận Quý (Hàm Thuận Nam)… Đặc biệt là Phước Lộc, Tân Phước (La Gi) và Đức Long, Tiến Thành (Phan Thiết).
Mùa mưa năm 2013 kết thúc vào giữa tháng 10/2013, sớm hơn so trung bình nhiều năm từ 20 – 25 ngày. Ngược lại, mùa khô có khả năng kéo dài đến đầu tháng 5/2014. Đây là nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Thuận về tình hình khí tượng thủy văn trong mùa khô 2013 – 2014 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là những cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường liên tục trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy nguy cơ xảy ra tình trạng biển xâm thực ngày càng cao, nhất là vào những ngày triều cường, rằm và cuối tháng âm lịch.
Triều cường tại thị xã La Gi vào tháng 1/2013
Ông Nguyễn Hùng Tân- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận (PCLB&TKCN) cho biết: Hiện tượng xâm thực bờ biển vào mùa bấc xảy ra thường xuyên hàng năm ở ven biển, nhất là La Gi và TP Phan Thiết. Do đó, người dân đã phần nào có ý thức và kinh nghiệm để ứng phó với diễn biến thời tiết xấu. Điển hình nhất là vào thời điểm đầu năm 2013, triều cường, biển xâm thực đã xảy ra tại thôn Hồ Tôm, xã Tân Phước, thị xã La Gi; phường Đức Long và xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết), gây thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng. Ngay khi xảy ra sự cố, UBND các địa phương đã yêu cầu các phòng chức năng liên quan kiểm tra thực tế tình hình sạt lở, cùng người dân ứng phó khẩn cấp. Một số công việc được triển khai thực hiện khẩn trương như đóng cọc gỗ, đắp bao tải cát và xếp các gốc cây dương bị ngã đổ chắn sóng; gia cố tạm chống sạt lở tại các khu vực xung yếu; di dời các hộ nhà ở bị sập… nhờ đó, đã góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do biển xâm thực.
Tuy vậy, theo cảnh báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận, hiện nay đang là thời điểm biến đổi khí hậu rõ nét, các cơn bão trong năm xảy ra nhiều và có cường độ mạnh. Dù chỉ mới bước vào đầu năm 2014, nhưng gió mùa Đông Bắc đã mạnh cấp 8, cấp 9 và có khả năng xảy ra gió mạnh cấp 10, cấp 11 khi vào giữa mùa bấc. Trước tình hình đó, để người dân có ý thức chủ động phòng tránh tác động của triều cường, gây sạt lở bờ biển, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đề nghị UBND các địa phương ven biển thông báo cho nhân dân các khu vực thường xảy ra sạt lở biết để chủ động ứng phó. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng vật tư, vật liệu như cọc tre, vải bạt, rọ thép, bao cát… để khắc phục khi có hiện tượng gió mạnh gây sạt lở, triều cường.
Về giải pháp lâu dài, những khu vực này đều đã được quy hoạch xây dựng kè biển chống xâm thực. Tuy nhiên do nguồn vốn còn hạn hẹp nên chưa thể triển khai cùng lúc ở tất cả các điểm, mà chỉ đầu tư có trọng điểm ở những nơi thường bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến dân sinh kinh tế của người dân (phường Phước Hội đã có kè tạm). Chính vì vậy, những khu vực chưa được làm kè, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh khuyến cáo nhân dân nên chủ động di dời khỏi khu vực nguy hiểm, khi có hiện tượng sạt lở xảy ra. Mặt khác, chính quyền địa phương nên cắm biển cảnh báo tại các điểm sạt lở để người dân biết…
Bên cạnh việc chủ động đối phó với tình trạng biển xâm thực, các ngành, đơn vị liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là hoạt động của gió mùa Đông Bắc mạnh ngoài khơi, gây ảnh hưởng và thiệt hại đến hoạt động khai thác hải sản và giao thông trên biển. Trong đó, chú ý các thời kỳ gió mạnh kết hợp với triều cường gây sạt lở vùng ven biển. Chủ động các biện pháp phòng tránh khô hạn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó với những biến động dị thường của thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tình hình xâm nhập mặn ở vùng biển và cửa sông có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân…