Bỏ tết sau lưng, các ngư dân trên tàu cá QNG 95985 TS của ông Nguyễn Văn Leo ở thôn Định Tân xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi lại lao ra khơi. Họ đã đón bảy cái tết tại Hoàng Sa…
Giao thừa trên biển
Các ngư dân trước giờ ra Hoàng Sa. Ảnh: Lê Văn Chương |
“Nếu tập trung đủ anh em, một giờ chiều tàu xuất hành” – trên con tàu chuẩn bị xuất hành, thuyền trưởng Nguyễn Văn Leo thông báo.
Trên mũi tàu, khói hương nghi ngút. Hai ngư dân làm chủ bái kính cẩn vái lạy. Trước khi ra Hoàng Sa và không ăn tết trong đất liền, các ngư dân – trụ cột trong mỗi gia đình làm thủ tục cáo với tiên linh ông bà cầu chuyến ra khơi thuận lợi và tết sẽ vắng nhà.
Những thùng bánh kẹo, bia, nước ngọt có in dòng chữ “chúc mừng năm mới” được đưa lên con tàu. Hương xuân ít ỏi của đất liền đưa ra đảo. Ông Phông, chủ đại lý xăng dầu tất tả chạy ra với xách nặng trên tay: “Anh em xuất hành ra đó ăn tết, chú gởi chút quà đón xuân cho đỡ nhớ cửa nhớ nhà. Ngoài đó đài báo còn giật lắm (biển động). Nhớ là anh em vừa làm vừa trông nhau”.
"Gà để ra Hoàng Sa ăn Tết?", tôi tò mò chỉ vào chú gà trống thiến đang bị buộc sau ca bin. Một ngư dân cho biết: Cúng trong bờ, ra tới Hoàng Sa tiếp tục cúng một lần nữa rồi bắt đầu đánh lưới. Ở Hoàng Sa, anh em nguyện xin ông bà từng đi lính Hoàng Sa phù hộ.
Hỏi chuyện vui tết ở Hoàng Sa có gì khác với đất liền, ngư dân Nguyễn Hùng cười hể hả: “Nói tiếng xuân chớ xuân gì đâu. Sáng mùng một tết dậy thiệt sớm cúng ông bà. Mỗi người làm vài lon bia, nói chuyện đầu năm, sau đó bắt đầu đánh lưới”.
Còn ngư dân Nguyễn Thời chia sẻ: “Thường thường tối 30 đón giao thừa, anh em mở máy Icom nối liên lạc các tàu. Chương trình ca nhạc trên sóng bắt đầu nổi lên y như bão. Bởi vì sóng loạn xạ, không tàu nào nhường tàu nào. Có ngư dân hát một bài tới mấy lần bởi hổng biết… đường ra”.
Cờ Tổ quốc ở Hoàng Sa
Tàu cá QNG 95985 TS lao về phía Hoàng Sa. Ảnh: Lê Văn Chương |
Đối với ngư dân thôn Định Tân xã Bình Châu, nghề lưới chuồn chỉ đi được bảy vụ trong năm. Tết rơi vào ngày mùa. Không thể neo thuyền ở nhà, các ngư dân cứ thế lao ra khơi và đón xuân trên biển.
Theo thống kê, tết này có 8 tàu cá với 95 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang hành nghề trên quần đảo Hoàng Sa. Ở quần đảo Trường Sa có 17 tàu cá, 330 ngư dân trụ lại ăn tết. Mỗi chuyến đi biển kéo dài một tháng. Nếu đánh bắt thuận lợi, qua mùng 10 tết, nhiều tàu cá sẽ chở “lộc biển” vào đất liền bán, sau đó mới vui xuân với người thân.
Thời tiết năm nay thay đổi bất thường so với mọi năm. Theo các ngư dân, biển động không ngớt. Chính vì vậy, ra Hoàng Sa đánh lưới chuồn, ngư dân phải chịu trăm nỗi khổ sở.
Một ngư dân kể câu chuyện nghe thấy lạnh người: “Tụi em vừa kéo cá chuồn lên tàu, chưa kịp muối đá và cào xuống hầm thì sóng biển phủ con tàu kéo tuột cá xuống biển trở lại. Có đêm anh em đang ngủ, một ông sóng bổ phủ ca bin, tràn vô tàu. Vậy là anh em thức dậy vắt chăn cho khô rồi lại ngủ tiếp để lấy sức đi làm”.
Câu chuyện của anh được nhiều ngư dân kể lại với vẻ bình thản như cái nghiệp của nghề biển. Tết này, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn có gió giật cấp 7 cấp 8, thế nhưng các ngư dân vẫn trụ lại và điện về đất liền: Đánh bắt trúng lắm”.
Treo lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lên nóc tàu, thuyền trưởng Nguyễn Leo chia sẻ trước lúc ra khơi: “Bà con trên chiếc 85 đã ăn tết ở Hoàng Sa bảy lần rồi. Hỏi thử nếu đúng vụ mùa mà mình cứ ở nhà ăn tết cũng không sướng ích gì”.
Con tàu gầm lên lao ra khơi. “Vẫy tay tạm biệt để chụp tấm ảnh” – nghe tôi đề nghị, các ngư dân từ chối: “Đi biển không tạm biệt, tạm biệt là không có ngày về”.
Chỉ một thoáng, con tàu đã khuất nơi chân trời. Trong những ngày xuân, lá cờ đỏ sao vàng sẽ phần phật tung bay trên vùng biển Hoàng Sa – vùng đất chủ quyền của Việt Nam.
LÊ VĂN CHƯƠNG
Theo (baomoi.com)