2017, nông nghiệp hướng tới nhiều mục tiêu mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù trải qua rất nhiều biến động và thách thức, nhưng năm 2016 vẫn ghi nhận những thành công vượt bậc của ngành nông nghiệp. Năm 2017, ngành đặt ra những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Nhất rau quả

Lần đầu tiên, xuất khẩu rau củ quả đứng ngôi đầu bảng trong nhóm ngành hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam khi đạt mức kim ngạch xuất khẩu 2,1 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm, vượt xa kim ngạch xuất khẩu gạo (một trong những ngành xuất khẩu chủ lực truyền thống). Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả gần 2 tỷ USD, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2015. Dự báo, xuất khẩu rau quả cả năm nay sẽ đạt 2,3 – 2,4 tỷ USD. Trong đó, riêng trái cây chiếm gần 74% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, với 29 loại trái cây được xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đức, Australia, Hàn Quốc…; với các mặt hàng chủ đạo như thanh long, nhãn, dưa hấu, xoài…

Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 11, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng mạnh so cùng kỳ năm trước. 10 tháng đầu năm, rau quả chủ yếu xuất sang những thị trường lớn như: Trung Quốc (70,4%), Hàn Quốc (3,6%), Mỹ (3,4%) và Nhật Bản (3,1%). Dự kiến cả năm, giá trị xuất khẩu rau quả sẽ đạt 2,5 – 2,6 tỷ USD.

 Thủy sản vẫn là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp

Thủy sản vẫn là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp – Ảnh: Hoàng Vũ

Chăn nuôi khởi sắc

Năm 2016, ngành chăn nuôi có những bước tiến quan trọng với những thành tựu nổi bật. Nhận định của Cục Chăn nuôi cho thấy, năm nay tăng trưởng chăn nuôi sẽ đạt khoảng 5 – 6% (mức cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây).

Một trong những thành tựu của ngành chăn nuôi năm qua chính là công tác lai tạo giống. Cụ thể, với sản phẩm lợn đã có thể đảm bảo 100% giống lợn trong nước với chất lượng tốt nhất của thế giới. Cùng đó, Việt Nam đã nhập khoảng 7.400 con lợn của các nước phát triển như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp… tăng 287% so cùng kỳ hàng năm. Hiện, một số lợn giống nhập đã có sản phẩm. Cùng đó, các tập đoàn đại gia súc của Việt Nam đã chủ động gần như được cơ bản giống và công tác thụ tinh nhân tạo bằng hai giải pháp: sản xuất tại chỗ và nhập khẩu.

Một điều quan trong nữa là việc ngăn chặn triệt để chất cấm và bước đầu đưa kháng sinh vào diện quản lý chặt. Đến hết năm 2016, tình hình chất cấm trong chăn nuôi cơ bản được ngăn chặn.

Thủy sản vẫn là điểm sáng   

Mặc dù không tạo đột biến nhưng thủy sản vẫn chứng tỏ là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của nông nghiệp khi có đóng góp lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành. 

Trước sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) từ tháng 4/2016, ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản trong nước cũng như uy tín của thủy sản Việt Nam, mức tăng trưởng dương của kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho thấy nỗ lực lớn của toàn ngành. Trong đó, tôm và cá tra vẫn là hai mặt hàng chính của thủy sản; kim ngạch xuất khẩu cá tra dự báo cả năm khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 6,6% so năm 2015; kim ngạch tôm ước 3,1 tỷ USD, tăng 5% so năm 2015.

Nuôi trồng thủy sản đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể với các biện pháp thâm canh cao và duy trì phát triển tốt.

Các công đoạn sản xuất giống, tổ chức sản xuất, chế biến phát triển hai sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra đã được ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận với trình độ của thế giới. Sản xuất trên biển tuy còn nhiều khó khăn, nhưng khai thác xa bờ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có sự chuyển biến tốt. Trong đó đáng chú ý là chuỗi giá trị khai thác cá ngừ bước đầu được hình thành. Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản được triển khai mạnh và đã phát huy hiệu quả như chương trình đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép, cải hóa nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, Nghị định 89; chương trình hỗ trợ nhiên liệu cho khai thác xa bờ theo Quyết định 48…

Ước cả năm 2016, tổng sản lượng thủy sản 6,78 triệu tấn (bằng 102% kế hoạch năm, tăng 2% so năm 2015); trong đó, sản lượng khai thác dự kiến đạt 3 triệu tấn, tăng 1,65% và nuôi trồng 1.300 ha, tăng 1,84%. Kim ngạch xuất khẩu ước trên 7 tỷ USD (bằng kế hoạch đặt ra).

Mục tiêu năm 2017

Năm 2017, ngành thủy sản tiếp tục tổ chức chỉ đạo phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch, phát triển bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tiếp tục tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản và Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững đến năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã đề 9 giải pháp. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Hoàn thiện và triển khai quy hoạch phát triển ngành; Cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành; Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để đạt mục tiêu đặt ra trong năm 2017, các cơ quan quản lý của Bộ cần quyết liệt trong chỉ đạo theo tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung theo 3 nhóm sản phẩm: sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm theo vùng sinh thái. Đối với công tác an toàn thực phẩm, đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao và tổ chức sản xuất theo chuỗi. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra…

 

>> Năm 2017, ngành thủy sản phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất khoảng 2,2 – 2,6%; tổng sản lượng thủy sản 6,85 triệu tấn; trong đó khai thác 3,05 triệu tấn, nuôi trồng 3,8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,3 tỷ USD.

Nguyễn Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!