T2, 06/07/2020 10:46

Lễ hội Tết bốn phương

Chưa có đánh giá về bài viết

Cũng như Tết Nguyên đán của người Việt, ngày Tết cổ truyền của các nước bạn không thể thiếu lễ hội. Được tổ chức vào thời điểm khác nhau, phong tục cũng khác nhưng các lễ hội đều mang ý nghĩa tốt đẹp, thêm vui cho ngày Tết.

Lễ hội té nước

Tháng tư hằng năm là dịp người dân Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar chào đón ngày Tết cổ truyền dân tộc. Điểm chung của 4 quốc gia này trong ngày Tết lễ hội té nước là một phần không thể thiếu. Dù có nhiều tên gọi khác nhau giữa các quốc gia (như lễ Songkran ở Thái Lan, Bunpimay ở Lào, Thingyan ở Myanmar, Chol Chnam Thmay ở Campuchia) nhưng Tết té nước có nhiều điểm chung về hình thức. Sau những lễ nghi mang đậm sắc thái tôn giáo tại đền chùa, mọi người đổ ra đường, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, thành phần dân tộc, lạ hay quen, dùng xô, chậu, súng nước, vòi phun… té nước vào người nhau, ngoài ra còn té vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người dân tại các quốc gia này quan niệm rằng đón nhận nước té càng nhiều họ sẽ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới. 

 

Chingay Parade – Lễ hội đường phố của Singapore

Người Singapore rất coi trọng việc đón Tết Nguyên đán vì phần lớn dân số quốc đảo này là người Hoa hoặc liên quan gốc Hoa. Đến Singapore dịp Tết, không thể bỏ qua lễ hội Chingay Parade. Chinga Parade hay lễ hội đường phố Chingay có từ cuối thế kỷ 19 và lần đầu tiên chính thức được tổ chức năm 1973. Ban đầu, Chingay chỉ là một cuộc diễu hành nhỏ của cộng đồng người Hoa ở Singapore, đến nay đã được phát triển thành cuộc diễu hành lớn ở châu Á. Đây là một dịp để người dân Singapore vừa vui chơi vừa thể hiện và củng cố nền văn hóa đa sắc tộc của mình qua cuộc diễu hành rầm rộ gồm các đoàn xe hoa được trang trí theo kiểu riêng từng dân tộc, cùng các điệu múa và trang phục truyền thống.

Những tiết mục không thể thiếu trong cuộc diễu hành là múa lân, rồng, sư tử, đi cà kheo; các điệu múa hát đặc trưng của người Hoa, Mã Lai, Ấn, Anh, Mỹ, Australia, Nhật, Hàn Quốc… ; các tiết mục vui nhộn như biểu diễn xiếc trên xe đạp, trượt patin trên đường phố, biểu diễn các loại xe Vespa cổ…

 

Lễ hội cháo cầu may tại Trung Quốc

Tết Nguyên đán là ngày tết dài nhất và quan trọng nhất ở Trung Quốc, thường kéo dài từ ngày 8 tháng 12 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch.

Khởi động cho các hoạt động đón chào Tết âm lịch của người Trung Quốc là lễ hội cháo cầu may La ba được tổ chức vào ngày 8 tháng 12 âm lịch tại chùa Yonghegong Lama ở thủ đô Bắc Kinh.

Tương truyền, nguồn gốc lễ hội này xuất phát từ Ấn Độ: Trên đường Thích Ca Mâu Ni đi tìm đường giác ngộ, ông đói và kiệt sức nên đã nằm lại bên một con sông. Một cô gái chăn cừu tìm thấy và đã chia sẻ với ông bữa trưa của mình là bát cháo được nấu bằng gạo và đậu. Nhờ đó, Thích Ca Mâu Ni có thể tiếp tục cuộc hành trình và đạt tới sự giác ngộ, trở thành Đức Phật trong ngày thứ tám của tháng âm lịch cuối cùng. Từ đó, các nhà sư và lạt ma luôn chuẩn bị cháo gạo vào đêm hôm trước (ngày 7 tháng 12 âm lịch) và tổ chức lễ hội vào hôm sau.

Cháo Laba được nấu bởi 30 loại nguyên liệu (thường gồm gạo, đậu đỏ, quả hạch và hoa quả khô) với hương vị rất hấp dẫn. Vào sáng ngày 8 tháng 12 âm lịch, món cháo này được các vị lạt ma chùa Yonghegong Lama mang ra phục vụ du khách tham gia lễ hội. Họ tin rằng cháo Laba sẽ mang lại của cải và sự bội thu trong năm mới.

Hà My

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!