Thủy hải sản được khắc trên Cửu đỉnh đã cho thấy một phần nhỏ bức tranh các loài vật sinh sống dưới nước trong hệ ao hồ, sông suối, biển đầm của Việt Nam. Đây còn là niềm tự hào của người xưa đối với hệ thủy hải sản của đất nước vốn rất phong phú và đa dạng.
Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh đồng gồm Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh hiện đặt tại Hiển Lâm Các – Thái Miếu bên trong Hoàng thành Huế. Thân các đỉnh có dáng bầu tròn, trên vành miệng mỗi đỉnh có khắc 2 dòng chữ Hán: dòng thứ nhất ở phía trái, ghi niên đại đúc đỉnh (đúc vào năm Ất mùi [1835], niên hiệu Minh Mạng thứ 16); dòng thứ hai ghi trọng lượng của từng đỉnh.
Mỗi đỉnh đúc nổi 17 hình cây cỏ, muông thú, cảnh vật, địa danh và 2 chữ Hán mang tên đỉnh. Các hình đúc nổi trên mỗi đỉnh được bố trí lần lượt theo 3 hàng quanh thân và đều có tên chữ Hán kèm theo. Đặc biệt, trên các đỉnh của Cửu đỉnh có khắc hình 12 loài thủy hải sản của Việt Nam. Cụ thể là các loài sống ở sông, hồ như Lục hoa ngư (cá hoa xanh) tức là cá lóc; Miết (con trạnh, con hôn); Linh quy (rùa nước); Ngạc ngư (cá sấu); Đăng sơn ngư (cá rô); sống ở ao đầm nước lợ như Bạng (con ngao); Hậu ngư (con sam); sống ở biển như Đại mại (đồi mồi); Nhân ngư (cá voi); Cáp (sò huyết); Thạch thủ ngư (cá mú); Ngoan (một loại rùa biển).
1. Lục hoa ngư được khắc trên Nghị đỉnh. Tên thường gọi là cá lóc, tràu, quả. Đây là loại cá rất phổ biến ở cả ba miền, tuy nhiên có tương truyền là ở Huế trước đây không có loại cá này, chỉ mới được nuôi vào thời Gia Long. Trong dân gian có tập tục khi trẻ con chậm biết đi, lấy con cá lóc đập vào cổ chân sẽ mau biết đi.
2. Miết được khắc trên Cao đỉnh. Tên thường gọi là con trạnh, con hôn. Đây là loài có mai giống rùa, đầu nhọn, thích cắn khi gặp vật lạ. Đông y xưa xem thịt và huyết của con trạnh chứa nhiều dược tính, tốt cho những người suy nhược, nhất là người già.
3. Linh quy được khắc trên Chương đỉnh. Nó được khắc trên Chương đỉnh như một linh vật nên gọi là Linh quy (rùa thiêng), thường sống ở các vùng sông ngòi, là một loài thủy quy (rùa nước) khác với loài hải quy (rùa biển) và sơn quy (rùa núi). Rùa là loài sống lâu nên đã trở thành biểu tượng của trường thọ và sự vững bền. Các bia đá, nhất là bia tiến sĩ, thường sử dụng mô tip rùa đội bia với ý nghĩa về sự trường tồn của trí thức là cũng xuất phát từ ý nghĩa này.
4. Ngạc ngư được khắc trên Chương đỉnh. Tên thường gọi là cá sấu. Xưa ở vùng Cam Lộ (Quảng Trị) có giống cá này, nhưng phổ biến hơn cả là ở vùng Nam bộ.
5. Đăng sơn ngư được khắc trên Thuần đỉnh. Tên thường gọi là cá rô. Đặc tính của cá này là hay phóng lên bờ, chống vây nhảy nên chữ Hán gọi đăng sơn ngư là vậy.
6. Bạng được khắc trên Thuần đỉnh. Tên thường gọi là con ngao. Đây là loài có rất nhiều dạng, đặc tính của chúng là sinh sản nhanh, sống ở vùng nước lợ.
7. Hậu ngư được khắc trên Tuyên đỉnh. Tên thường gọi là con sam. Loài này phổ biến ở Thừa Thiên – Huế, có nhiều ở Đầm Sam. Đặc tính của nó là con đực không có mắt, phải bơi theo con cái.
8. Đại mại được khắc trên Nhân đỉnh. Tên thường gọi là đồi mồi, sống nhiều ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Vũng Tàu…
9. Nhân ngư được khắc trên Nhân đỉnh. Tên thường gọi là cá voi, cá Ông, cá Ngài. Tên chữ Hán Nhân ngư với ý nghĩa là cá nhân từ, thời Tự Đức đặt lại là Đức ngư. Bản tính hiền lành, thường cứu người khi gặp nạn. Ngư dân Việt Nam rất tôn thờ loài cá này. Hiện nay, các vùng duyên hải còn rất nhiều miếu, đền thờ cá Ông.
10. Cáp được khắc trên Dụ đỉnh. Tên thường gọi là sò huyết. Theo Đông y, sò huyết là một vị thuốc chữa bệnh hậu sản và chứng gầy còm. Đây là loài có nhiều ở các vùng cửa biển tại Thừa Thiên – Huế, đầm Ô Loan của Phú Yên.
11. Thạch thủ ngư được khắc trên Dụ đỉnh. Tên thường gọi là cá mú (tên khác là cá úc, cá lành canh). Trên đầu loại cá này có chấm đá rất cứng nên còn gọi là cá đầu đá (thạch thủ). Trước đây, các chùa ở Huế thường gọi nó là cá bồ tát vì loài này không có máu, có chuyện kể rằng đến tuần chay tịnh vẫn có người ăn cá này.
12. Ngoan được khắc trên Tuyên đỉnh. Tên thường gọi của một loài rùa biển. Chúng sống ở nơi có dòng hải lưu mạnh tại các vùng biển sâu. Thịt rùa biển cũng được xem là dược liệu quý. Chúng có nhiều ở các vùng biển Việt Nam.
>> Cửu đỉnh là một “Đại Nam nhất thống chí bằng hình ảnh” và là một biểu tượng của sự thống nhất và ý chí tự chủ. Mỗi đỉnh cao xấp xỉ 1,9m trở lên, nặng khoảng 1.930kg (đỉnh nhẹ nhất) và khoảng 2.600kg (đỉnh nặng nhất). |