(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2010, những thảm họa nhân tạo và tự nhiên đã gây thiệt hại khoảng 222 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, gấp 3 lần so với năm ngoái. Những thảm họa khủng khiếp đã khép lại, nhưng những “hệ lụy” của nó thì vẫn còn tồn tại từng giờ từng phút như nhắc nhở nhân loại: Hãy quan tâm đến hành vi của chính mình tác động lên môi trường sinh thái và hãy cùng chung tay để bảo vệ thế giới cho những thế hệ sau.
1. Biến đổi khí hậu, thế giới khốn đốn vì hạn hán và lũ lụt
Từ đầu năm 2010 đến nay, nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang phải gánh chịu đợt hạn hán nghiêm trọng bất thường do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, khiến hàng chục triệu người dân mưu sinh dọc các con sông bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những tháng đầu năm, hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông Mekong giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, làm đình trệ các hoạt động giao thông trên tuyến đường thủy quan trọng của châu Á này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế mưu sinh của 65 triệu người ở 6 quốc gia dòng sông này chạy qua. Tại Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh ở phía Tây Nam trải qua những ngày khô hạn nghiêm trọng nhất thế kỷ qua. Ở Pakistan, nhất là tại Southern Punjab, đất đai nứt nẻ và sông ngòi cạn trơ đáy… Đối mặt với tình trạng mất mùa, lương thực sụt giảm, nguy cơ xảy ra nạn đói, diện tích đất canh tác và nuôi trồng nông nghiệp và thủy hải sản giảm…đây thực sự là mối lo ngại cho toàn cầu.
2. Thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico
Đây là thảm họa môi trường khủng khiếp nhất mà Mỹ từng phải đối phó, làm điêu đứng các nhà chức trách, hãng dầu BP và gây ra hậu quả kinh hoàng về môi trường sinh thái. Ít nhất 43 triệu gallon dầu đã tràn ra đại dương kể từ khi giếng dầu Deepwater Horizon bốc cháy và chìm xuống biển cuối tháng 4, lớn hơn rất nhiều so với con số 11 triệu gallons dầu do tàu Exxon Valdez gây ra vào năm 1989. Hơn tất cả, nó còn đe dọa đến sự sống của hơn 400 loài động vật, 6.104 con chim, 609 rùa biển, khoảng 100 động vật có vú trong đó có cá heo và 25 triệu chim bay qua khu vực tràn dầu mỗi ngày. Thảm họa đã được ngăn chặn nhưng "hồi kết" của nó thực sự ra sao thì vẫn còn là một "ẩn số", là nỗi ám ảnh chưa làm yên lòng các nhà khoa học và môi trường.
3. Lũ bùn đỏ ở Hungary
Ngày 4/10/2010, 1,1 triệu m3 bùn đỏ độc hại tràn ra từ bể chứa của nhà máy Ajkai Timfoldgyar Zrt, tỉnh Ajka – cách thành phố Budapest 160 km về phía Tây đã nhấn chìm các làng mạc xung quanh nhà máy, làm 4 người thiệt mạng, 120 người bị thương. Hậu quả nghiêm trọng hơn đó là việc đã tràn vào dòng sông Danube – con sông dài nhất châu Âu, khiến cá chết nổi trắng mặt nước sau đó 3 ngày, tiêu diệt tất cả sinh vật sống trên dòng sông nhánh Marcal. Xét trên góc độ môi trường, bùn đỏ là một loại chất thải rất độc hại, được ví như "bùn bẩn" hay "bom bẩn". Nếu chúng được phát tán trong không khí, có thể gây ung thư khi thâm nhập vào hệ hô hấp của con người. Hơn thế nữa, còn gây ra sự tổn hại lâu dài tới môi trường. Hậu quả do lũ bùn đỏ Hungary gây ra hoàn toàn không kém so với thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico.
4. Sự phun trào dữ dội của Núi lửa Iceland
Núi lửa Eyjafjallajokull đã ngủ yên gần 200 năm, hôm 20/3/2010, sau những rung chuyển bởi cơn địa chấn nhẹ đã đột ngột tỉnh giấc tạo thành cột tro bụi bốc cao 11km, khiến ít nhất 500 người phải sơ tán, làm gián đoạn giao thông hàng không khắp Bắc Âu, phần lớn các sân bay ở châu Âu phải đóng cửa khiến hàng nghìn chuyến bay bị hủy, hàng triệu hành khách bị mắc kẹt trong suốt nhiều ngày, thiệt hại ít nhất 200 triệu EUR/ngày cho các hãng hàng không trên thế giới. Nhiều chuyến hàng thực phẩm nói chung và thủy hải sản đông lạnh nói riêng bị mắc kẹt gây thiệt hại lên đến hàng nghìn USD. Hoạt động của núi lửa không chỉ ảnh hưởng đến riêng châu Âu mà còn gây ra nhiều tổn hại cho những khu vực ở xa như châu Phi, Trung Quốc và Nhật Bản, những nơi mà từ đó sản phẩm đã không thể vận chuyển sang châu Âu vì các đám mây tro.
5. Lũ lụt khủng khiếp ở Pakistan
Mưa lũ dữ dội trên cả một diện tích rộng lớn ở Tây Bắc Pakistan đã làm hơn 1.600 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 15 triệu người Pakistan. Trận lụt tồi tệ nhất ở nước này trong nhiều thập kỷ đã khiến hơn 1.600 người chết và 200.000 người trở thành vô gia cư, gây thiệt hại vật chất ít nhất 43 tỷ USD và châm ngòi cho dịch bệnh-bạo lực bùng phát ở đất nước đang phải vật lộn để chống lại những phần tử cực đoan và khủng bố. Bên cạnh đó, lũ lụt cũng đã phá hủy hàng trăm ngàn ngôi nhà, quét trôi đường sá, những cây cầu, mùa màng và gia súc. Nước lũ từ phía Bắc đổ về vùng đất nông nghiệp Punjab và miền nam tỉnh Sindh, dọc theo một tuyến dài hơn 1.000 km. Nếu những tính toán của Chính phủ Pakistan là chính xác thì quy mô của đợt lũ lần này ở Pakistan còn tồi tệ hơn cả ba thiên tai lớn gần đây cộng lại: trận động đất hồi tháng 1 ở Haiti, sóng thần năm 2004 và động đất năm 2005 ở Pakistan.
Đậu Đậu
(Tổng hợp)