Dự án nhằm giúp các nước EU hiểu được quy trình sản xuất cá tra, tôm nuôi của VN đảm bảo an toàn đối với người sử dụng.
Ngày 12/3, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo triển khai kết quả khảo sát, nghiên cứu Dự án nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại cho các doanh nghiệp và các hộ nuôi thủy sản tại ĐBSCL.
Dự án Nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại thế giới do Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Trường đại học Stirling thực hiện nhằm giúp các nước EU hiểu được quy trình sản xuất cá tra, tôm nuôi của Việt Nam đảm bảo an toàn về sức khỏe đối với người sử dụng.
Nuôi cá tra là thế mạnh của ĐBSCL
Theo GS. TS Nguyễn Thanh Phương – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, qua 4 năm triển khai, dự án đã thu thập một số kết quả từ các mô hình nuôi cá tra, nuôi tôm sú ở ĐBSCL cho thấy bệnh trong thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc nuôi trồng từ Việt Nam vào EU có rủi ro rất thấp đối với sức khỏe người tiêu dùng và kết quả này cũng ngang bằng với các sản phẩm được sản xuất tại EU. Không có loại thuốc và hóa chất cấm trong nuôi trồng thủy sản tại EU được sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu tại Việt Nam.
Rất nhiều trường hợp salmonnella tại EU đã liên quan tới sự tiêu dùng tôm và cá tra của Việt Nam. Có rất thấp sự lan truyền ký sinh trùng (FZT) từ cá Pangasius; quá trình lạnh đông đã vô hiệu hóa ký sinh trùng hiện diện trong sản phẩm cá Pangasius, không ảnh hưởng tới người tiêu dùng EU. Rủi ro bệnh đường ruột từ việc sử dụng thủy sản từ Việt Nam là rất thấp khi so sánh với các sản phẩm từ gia cầm và các thú nuôi khác. Các chất diệt khuẩn được sử dụng trong cá tra và tôm nuôi xu hướng giảm.
Chế biến cá tra tại Khu công nghiệp Trà Nóc – Cần Thơ
PGS – TS Trương Quốc Phú – Trưởng khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Cá tra là sản phẩn chủ lực mang lại lợi ích kinh tế lớn cho ĐBSCL. Tuy nhiên trong thời gian gần đây sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn do giá cả bất ổn và gặp phải rào cản kỹ thuật của các nước”.