Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cho biết dù các lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát, nhưng tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật hoang dã vẫn xảy ra. Điều này không chỉ khiến các loài động vật quý hiếm ngày càng ít đi mà nguy cơ cháy rừng vẫn âm ỉ, nhất là vào thời điểm mùa khô như hiện nay.
Trong hai tháng đầu năm nay, lực lượng bảo vệ đã phát hiện và bắt giữ 5 vụ với 8 đối tượng vào rừng để săn bắt động vật và thủy sản. Trước đó, trong năm 2013, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng bảo vệ đã phát hiện 67 vụ vi phạm gồm 96 đối tượng vào rừng săn bắt động vật hoang dã và thủy sản.
Ông Trần Hồng Đảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện U Minh Thượng và Vĩnh Thuận cho biết đơn vị đã cùng lực lượng chức năng phối hợp tuần tra, kiểm tra và phát hiện, bắt giữ nhiều vụ liên quan đến việc săn bắt động vật hoang dã. Một số người dân thiếu ý thức, chủ yếu sinh sống trong vùng đệm U Minh Thượng, vẫn cố tình vi phạm. Các đối tượng này chủ yếu vào bắt cá, lươn, rắn và các loài động vật khác. Việc làm này không những khiến cho nguồn cá đồng và các loài động vật hoang dã quý hiếm bị suy giảm mà còn làm tăng nguy cơ cháy rừng vì đa phần các đối tượng vào rừng và ăn ngủ lại trong rừng vài ngày mới rút ra ngoài.
Có những trường hợp vi phạm, khi bị lực lượng chức năng phát hiện còn có hành vi chống người thi hành công vụ, xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Thả các động vật hoang dã bị săn bắt trái phép về Vườn Quốc gia U Minh Thượng. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Vườn Quốc gia U Minh Thượng thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang được thành lập theo Quyết định ngày 8/7/2002 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang trên cơ sở Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang thành Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
Vườn U Minh Thượng có diện tích 21.107ha; trong đó vùng lõi 8.038ha, vùng đệm 13.069ha. Vườn quốc gia U Minh Thượng là một trong hai khu vực quan trọng nhất của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam và được công nhận là một trong ba khu vực ưu tiên cao nhất cho việc bảo tồn đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện Vườn Quốc gia U Minh Thượng có sự tồn tại của 243 loài thực vật bậc cao, 32 loài thú, 186 loài chim, 50 loài bò sát lưỡng cư, 60 loài cá, 203 loài côn trùng và nhiều loài động vật thủy sinh phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái. Rừng đầm lầy than bùn U Minh Thượng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa axít hóa của lớp đất mặt, lưu trữ nước ngọt và là nơi sinh sản của các loài cá nước ngọt.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, để chủ động trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng và hạn chế đến mức thấp nhất người dân vào rừng cấm, thời gian tới, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Vườn chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận-U Minh Thượng, công an hai xã trong vùng đệm tăng cường tuần tra, nắm tình hình vi phạm; phối hợp để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; vận động quần chúng tích cực đấu tranh tố giác các đối tượng vào rừng trái phép.