Đề án 52 tại Cô Tô, Quảng Ninh: Bí quyết tuyên truyền linh hoạt

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những địa phương thực hiện tốt Đề án 52 tại Quảng Ninh, sau 5 năm triển khai, huyện Cô Tô đã thu được những kết quả tích cực. Việc nâng cao nhận thức, hành vi, chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã dần đi vào ổn định…

Cần thay đổi nhận thức

Theo Trung tâm DS – KHHGĐ huyện đảo Cô Tô, Đề án 52 được triển khai tại địa phương trong 5 năm, đã đem lại nhiều kết quả có ý nghĩa, làm thay đổi hành vi của phụ nữ trong tuổi sinh đẻ và những người liên quan.

Với điều kiện hoạt động đặc thù, nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, cán bộ dân số đã đề ra bí quyết kết hợp linh hoạt trong việc gắn chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS – KHHGĐ bằng những hình thức tuyên truyền cụ thể, như: hệ thống loa truyền thanh tại các xã, dán tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích và các tài liệu liên quan công tác dân số… Bên cạnh đó, các hoạt động phối hợp giữa Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện 7 (Quân khu 3) cũng được thực hiện thường xuyên. Trung tâm đã kết hợp tổ chức tư vấn, khám sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, phụ nữ mang thai tại các xã; tập trung tư vấn, theo dõi và quản lý các đối tượng trong tuổi sinh đẻ. Tổ chức các cuộc tư vấn nhóm, nói chuyện chuyên đề về làm mẹ an toàn, chăm sóc SKSS vị thành niên, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kết hợp hoạt động tuyên truyền với khám dịch vụ, cấp phát thuốc miễn phí cho các chị em phụ nữ mang thai…

Tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô

Để Đề án thực sự đem lại kết quả và ý nghĩa cho người dân, Trung tâm đã kết hợp đưa cán bộ tuyên truyền chăm sóc SKSS/KHHGĐ; kết hợp khám, cấp phát thuốc cho ngư dân. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên các xã ven biển; trang bị bổ sung phương tiện truyền thông cho các xã…, giúp cộng tác viên nắm rõ chủ trương và lồng ghép tuyên truyền đạt hiệu quả.

Một cán bộ chuyên trách dân số tại xã Đồng Tiến cho biết, do đặc thù vùng có nhiều người đi biển, cán bộ ít thời gian gặp trực tiếp, cộng tác viên dân số tại xã đã lên tận tàu thuyền để tuyên truyền về Đề án mỗi khi tàu vào bờ; Mặt khác, phần lớn nhận thức của ngư dân còn hạn chế, sai lệch, cộng tác viên dân số và cán bộ chuyên trách phải kiên trì hướng dẫn nhiều lần, kết hợp các biện pháp trực quan, cụ thể, giúp ngư dân hiểu và nhớ nhanh.

 

Kết quả khả quan

Được triển khai từ năm 2009, đến nay, công tác DS – KHHGĐ tại các xã biển của huyện Cô Tô có nhiều kết quả khả quan. Hiện, tại các xã, tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm đáng kể. Năm 2013, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm hơn 4% so năm 2009; trên 82,19% các cặp vợ chồng chấp nhận và áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Bên cạnh đó, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và số người tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc SKSS/KHHGĐ đều tăng so với những năm trước… Việc nâng cao chất lượng dân số sau sinh được đẩy mạnh. Ngoài ra, việc duy trì các loại hình tư vấn, kiểm tra, khám sức khỏe luôn được thực hiện đều đặn, đã giúp phát hiện yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi…

Năm 2014, huyện tiếp tục lồng ghép các chương trình truyền thông về dân số, vận động nhiều phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, các em gái vị thành niên tham gia sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả, nâng cao nhận thức về giới tính… Xây dựng loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ và cung cấp bao cao su, thuốc tránh thai cho ngư dân ven biển tại các bến cá, cảng cá thường xuyên có lao động nữ làm việc cùng những nam giới đi biển. Kết hợp với việc tiếp tục quản lý đối tượng thực hiện dịch vụ KHHGĐ tại cộng đồng và cung cấp tài liệu tư vấn cho đối tượng mới áp dụng…

 

Khai thác thủy sản là thế mạnh ở Cô Tô – Ảnh: Quốc Minh

Cần phối hợp đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS – KHHGĐ ở huyện Cô Tô còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ còn trẻ, nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình chưa phù hợp yêu cầu thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, nhất là từ sau khi triển khai thực hiện Đề án 52.

Bà Dương Thị Phương, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Cô Tô cho biết, thời gian tới, Cô Tô sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và mở rộng thêm cộng tác viên dân số để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu DS – KHHGĐ của địa phương giai đoạn 2011 – 2015 và những năm tiếp theo. Cụ thể: từng bước nâng cao chất lượng dân số, phấn đấu tiếp tục giảm tỷ suất sinh 0,7‰ và giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 1% trong các năm tiếp theo. Phấn đấu để các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt tỷ lệ 0,4%.

Trung tâm cũng kiến nghị cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho ngành y tế huyện và xã; có chính sách riêng thu hút cán bộ về công tác và cán bộ đang công tác tại các huyện, xã đảo, nhất là các đảo xa. Đồng thời, tăng cường mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở cả về số lượng và chất lượng; coi trọng tuyên truyền  các nhóm đối tượng và địa bàn đặc thù (các vùng có mức sinh và sinh con thứ ba trở lên cao và vùng khó khăn về kinh tế xã hội…).

>>  Năm 2013, huyện Cô Tô đã tập huấn 1 lớp cho cán bộ cấp xã các kỹ năng truyền thông và kỹ năng thực hiện các hoạt động. Tổ chức 3 buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng dân cư, 18 buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ, thanh niên không sinh con thứ ba trở lên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tư vấn trực tiếp 257 bà mẹ đang mang thai tại các trạm y tế xã, thị trấn.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!