Tôm hùm là một loài đặc sản, tuy nhiên nguồn giống cung cấp cho nuôi chủ yếu được khai thác từ tự nhiên. Việc khai thác, vận chuyển đúng kỹ thuật sẽ nâng cao được tỷ lệ sống tôm giống, tôm nuôi sẽ khỏe mạnh, nhanh lớn và mang lại hiệu quả cao.
Địa điểm và mùa vụ khai thác
Khu vực tôm hùm giống tập trung và được khai thác nhiều nhất ở các tỉnh Nam Trung bộ như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định… nơi nước trong, độ mặn cao và đặc biệt là có nhiều ghềnh đá. Tôm giống xuất hiện nhiều vào mùa biển động, mùa vụ khai thác thường vào cuối tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Địa điểm chủ yếu là vùng cửa vịnh hoặc đầm, nơi có sóng gió mạnh, cách bờ 2 – 3 hải lý, độ sâu 10 – 15 m hoặc những nơi gần bờ ven các ghềnh đá.
Khai thác tôm hùm giống ở biển Ninh Chữ, Ninh Thuận – Ảnh: Ngọc Hà
Kỹ thuật khai thác
Lưới bủa mành
Kỹ thuật khai thác này chủ yếu dựa vào tập tính hướng quang của tôm khi trời tối. Chiều cao lưới dao động 4 – 6 m, độ dài lưới 100 – 150 m, cỡ mắt lưới 2 mm.
Thời gian khai thác vào ban đêm, từ 20 giờ đến 5 sáng hôm sau. Khi chọn được địa điểm thích hợp, neo thuyền vững chắc, tiến hành thả mành lưới hoặc bủa lưới xung quanh, dùng ánh sáng đèn Neon (1.000 – 2.000 W) để nhử tôm giống. Khi tôm phát hiện thấy ánh sáng sẽ bơi đến và mắc vào mành lưới. Sau 4 – 5 giờ, kéo lưới lên thuyền để thu gom tôm hùm giống dính lưới.
Ngay sau đó, thả tiếp lưới xuống biển và thu lần 2 vào 4 giờ sáng. Nhanh chóng gỡ tôm hùm giống ra khỏi lưới và nhốt trong các thùng nhựa tròn có thể tích 4 lít, lắp sục khí. Mỗi thùng khoảng 100 – 150 con. Tôm giống bắt được có màu trong suốt, chiều dài 7 – 8 mm và trọng lượng 0,25 – 0,35 g. Theo kinh nghiệm của ngư dân, thường khai thác tôm được nhiều vào những ngày tối trời và biển động mạnh.
Dùng bẫy
Dựa vào đặc tính thích chui rúc, ẩn nấp của tôm hùm mà chế tạo bẫy. Bẫy có thể được làm bằng gỗ, hoặc san hô, hình khối, dài 60 cm, đường kính 40 cm, trọng lượng 2 – 5 kg, các lỗ trên bền mặt được khoan cách nhau khoảng 10 – 15 cm, rộng 2 – 2,5 cm. Bẫy được thả xuống độ sâu 4 – 5 m vào tháng 11 hàng năm, nơi xuất hiện tôm hùm giống.
Kích cỡ tôm giống dao động từ 7,5 – 10mm đến 0,3 – 1kg/con – Ảnh: Ngọc Hà
Sau 3 – 5 ngày tôm sẽ chui vào các lỗ nhân tạo để ẩn nấp, ngư dân thu bắt tôm hùm hàng ngày vào buổi sáng bằng cách giũ bẫy vào trong vợt lưới hoặc dùng tay bắt tôm từ các lỗ đã khoan. Cỡ tôm giống thu được thường dao động 7,5 – 10 mm và trọng lượng 0,3 – 1 g/con.
Vào cuối vụ, bẫy được thu lên bờ, vệ sinh, phơi khô cất giữ để sử dụng cho mùa khai thác sau. Trong một diện tích thả bẫy khoảng 50 x 100 m có thể thu gom được khoảng 50 – 200 con/ngày. Tôm giống sau khi bắt được giữ trong thùng xốp hoặc xô nhựa với nước biển có sục khí.
Lặn bắt
Sử dụng bình nén khí trên thuyền hoặc đeo bình ôxy lặn xuống nước ở độ sâu 7 – 15 m để bắt tôm hùm trú ẩn trong các ghềnh đá. Loại hình này thường bắt được tôm cỡ lớn (1 – 15 cm), giống khỏe mạnh, trọng lượng 7 – 100 g. Tuy nhiên, lượng tôm giống được khai thác mỗi ngày không nhiều, trung bình 10 – 15 con/thuyền/ngày/5 người vào tháng cao điểm (tháng 1, 2), các tháng khác số lượng tôm bắt được ít hơn.
Kỹ thuật vận chuyển
Tôm hùm giống có thể được vận chuyển bằng nhiều phương pháp khác nhau; tuy nhiên, để vận chuyển có hiệu quả nên sử dụng 2 phương pháp chính là vận chuyển nước và khô để đạt tỷ lệ sống cao.
Vận chuyển nước
Phương pháp này được dùng để vận chuyển con giống từ tôm trắng (post -puerulus) đến tôm bò cạp (juveniles). Tôm nhỏ, rất nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường nên các thao tác cần nhẹ nhàng và cẩn thận.
Dùng thùng xốp (30x50x25) cm hoặc (45x60x35) cm để vận chuyển tôm. Đáy thùng phủ một lớp rong câu tươi hoặc cát (dày 0,5 – 1 cm), đổ nước biển sạch cao ngập cát hoặc rong 7 – 10 cm. Chuyển tôm vào thùng, số lượng 300 – 400 con/thùng nhỏ hoặc 700 – 1.000 con/thùng lớn. Đậy nắp thùng, sục khí trong suốt thời gian vận chuyển. Dùng đá lạnh (chứa trong các hộp nhựa hoặc túi nilon kín) để giữ nhiệt độ nước 20 – 220C thì có thể vận chuyển được 5 – 15 giờ.
Ngoài ra, có thể sử dụng túi nilon (40×80) cm bơm ôxy để chuyển tôm giống như vận chuyển cá. Lưu ý: khi vận chuyển cần đảm bảo nhiệt độ nước trong túi 20 – 230C và thời gian không quá 5 giờ. Cần căn cứ vào số lượng tôm và mà dùng phương tiện xe máy hay ô tô để vận chuyển cho hợp lý. Tỷ lệ sống của tôm trong phương pháp này thường đạt 95 – 97%.
Vận chuyển khô
Được dùng để vận chuyển tôm giống lớn (30 – 100 g/con). Dụng cụ vận chuyển là thùng xốp có kích thước như thùng xốp ở vận chuyển nước. Mật độ tôm vận chuyển 150 – 300 con/thùng, thời gian 3 – 7 giờ với nhiệt độ được duy trì 20 – 240C bằng đá cây lạnh. Tôm được giữ độ ẩm của nước biển bằng rong hoặc bằng khăn vải dày và chuyên chở bằng xe máy hoặc ô tô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt 90 – 95%.
>> Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về khai thác tôm hùm giống, với sản lượng khai thác trên 3 triệu con/năm, chủ yếu là tôm hùm bông. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của tôm giống sau khai thác thấp, chỉ đạt 40 – 50%. |
ThS. Nguyễn Quang Chương
>> “Kỹ thuật nuôi thủy đặc sản nước ngọt” Nghề nuôi thủy đặc sản nước ngọt đang phát triển mạnh ở khắp mọi miền đất nước. Thủy đặc sản nước ngọt không chỉ cung cấp thực phẩm mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Xuất phát từ những lợi ích trên, tác giả Ngô Trọng Lư và Thái Bá Hồ đã biên soạn cuốn sách “Kỹ thuật nuôi mới về nuôi thủy đặc sản nước ngọt”. Sách được biên soạn dựa trên những kiến thức thực tế nên rất gần gũi và dễ áp dụng. Những kiến thức trong cuốn sách được minh họa bằng những hình vẽ, sơ đồ… giúp người nuôi thủy sản biết thực hiện các kỹ thuật trong nuôi trồng, kỹ thuật nuôi thủy đặc sản ở các loại hình mặt nước… Sách do Nhà xuất bản Lao động – Xã hội phát hành. Tuấn Tú |