Tôm biển là đối tượng có giá trị nhưng tương đối khó nuôi. Vì vậy, ngay từ ban đầu người nuôi cần phải tránh những yếu tố bất lợi có thể làm tăng nguy cơ thất bại trong vụ nuôi.
Yếu tố ngoại cảnh
Khi tôm được giá, người nuôi tôm thường biến những diện tích đất có thể để nuôi tôm mà không tính đến những yếu tố ngoại cảnh không thích hợp như:
Vùng đất có kết cấu và tính chất không phù hợp để xây dựng hệ thống nuôi.
Các vùng đất nhiễm phèn nặng hay có độ kiềm quá cao, những vùng đất chứa nhiều chất hữu cơ làm ao bị thẩm lậu, rò rỉ… Ao nuôi như vậy dễ làm cho tôm bị stress, dễ nhiễm bệnh.
Không đủ nước cấp cho hệ thống nuôi khiến mùa vụ bị chậm. Không đủ nước thay khi nước ao bị bẩn hay khi xử lý hóa chất cần thay nước. Hệ thống cấp thoát nước không tốt làm cho việc thoát nước không kịp thời, tồn đọng nước bẩn, gây ô nhiễm cho khu nuôi.
Đối với các khu nuôi thâm canh và thâm canh tập trung không có hệ thống xử lý nước thải tốt là nguy cơ chính dẫn đến ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng cho vùng nuôi.
Không ngăn chặn sinh vật mang mầm bệnh (tôm hoang dã, cua còng, giáp xác,…) xâm nhập, tạo nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm như đốm trắng, đầu vàng.
Quản lý kỹ thuật
Hệ thống thiết bị kỹ thuật, công trình phụ trợ chưa hoàn chỉnh, chưa đảm bảo các điều kiện môi trường tối ưu cho tôm.
Không gây được màu nước đạt yêu cầu (thường gặp ở các ao nuôi thâm canh), làm tôm thiếu thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu khi thả, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm ở giai đoạn tiếp theo.
Quản lý thức ăn không hợp lý sẽ khiến tôm dễ mắc bệnh – Ảnh: Thanh Nhã
Quản lý chất lượng nước chưa đạt yêu cầu (lượng ôxy hòa tan thấp, pH biến động mạnh, khí độc tăng cao…), tác động trực tiếp đến sức khỏe tôm nuôi, tạo cơ hội cho mầm bệnh phát sinh.
Quản lý thức ăn không hợp lý, gây ô nhiễm ao nuôi làm cho tôm dễ mắc bệnh.
Không phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh của tôm để đưa ra các biện pháp phòng trị kịp thời.
Thậm chí khi ao tôm bị bệnh, nhiều người nuôi tôm có tâm lý giấu bệnh khiến cho dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng
Chất lượng con giống
Con giống chất lượng kém, khả năng đề kháng và chống chịu với môi trường sẽ kém. Đây là điều mà nhiều người nuôi thường chủ quan khi thả tôm sú giống, nhất là với nuôi tôm quảng canh. Tôm giống kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng ngay vụ nuôi đó mà còn ảnh hưởng đến các vụ sau, nhất là dịch bệnh.
Khi mua tôm giống, người nuôi thường chọn bằng cảm quan là chính, chưa chú ý đến khâu kiểm dịch tôm. Đây là cơ hội để tôm giống kém chất lượng len lỏi vào các vùng nuôi.
Hiện nay, nhiều địa phương xuất hiện tình trạng thả nuôi TTCT theo hình thức quảng canh, tôm – lúa. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi TTCT chỉ thích hợp với hình thức nuôi công nghiệp. Cách làm này vừa không mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo ra những áp lực lên nhu cầu tôm giống, sự phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Sự thiếu thông tin tuyên truyền và quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân làm cho vấn đề tôm giống đầu vụ nuôi trở nên “rối ren”.
>> “Nuôi tôm – Những kinh nghiệm và hiểu biết mới qua bước phát triển ban đầu” Đây là cuốn sách do Hội Nghề cá Việt Nam biên soạn và giới thiệu nhân dịp Hội trợ Triển lãm MeKong Expo 2002 tại Việt Nam. Cuốn sách tập trung vào hai nội dung chính là tập hợp một số kinh nghiệm nuôi tôm điển hình từ các địa phương trong cả nước và giới thiệu các thông tin mới, hữu ích để tham khảo vận dụng phát triển nghề nuôi tôm theo tiêu chí hiệu quả và bền vững. Nhiều mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh hiệu quả ở miền Bắc, Trung, Nam và ĐBSCL; mô hình nuôi tôm sú trên đất cát; nuôi tôm hùm lồng; những vấn đề về dịch bệnh và quản lý dịch bệnh. Những kiến thức về việc sử dụng vi sinh, thức ăn trong nuôi tôm cũng được đề cập trong sách, giúp người nuôi tôm có những kiến thức cần thiết để áp dụng vào thực tế. Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành. Tuấn Tú |