Sau một thời gian theo cha vào miền Nam làm ăn, đầu năm 2012, anh Mai Văn Hậu (thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) quyết định trở về quê hương và mang theo một chiếc tàu cá công suất chừng 100CV khiến cho nhiều bà con trong xã không khỏi ngạc nhiên, thán phục. Đây là chiếc tàu cá có công suất lớn đầu tiên của xã bãi ngang Hải Ninh tiên phong “vượt cạn”, đánh dấu cho hành trình vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ của địa phương này…
Chuyện về đội tàu cá tiên phong “vượt cạn” ở Hải Ninh…
Khoảng 1 năm trước, đồng nghiệp chúng tôi đã có một bài viết về một đội tàu cá khoảng 20 chiếc (công suất từ 33 đến 220CV) của ngư dân xã Hải Ninh. Đây là những chiếc tàu cá có công suất lớn, đánh dấu cho quá trình tiên phong “vượt cạn” của ngư dân vùng biển bãi ngang này. Để hiểu rõ hơn về “xuất xứ” và hiệu quả của đội tàu cá này, những ngày đầu năm 2014, chúng tôi quyết định ngược lên Hải Ninh…
Rót chén trà mời khách, ông Mai Đình Lừa, Bí thư Đảng uỷ xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tâm sự: Từ nhiều đời nay đối với người dân xã Hải Ninh, để sắm được một chiếc tàu lớn vươn khơi xa quả là điều chẳng mấy ai nghĩ tới. Sống cạnh vùng biển bãi ngang, do yếu tố địa lý, mặt bằng dân trí thấp…, suốt một quãng thời gian dài, người dân quê tui chỉ có thể đóng được những chiếc bơ nan nhỏ bé rồi xem con nước thuỷ triều lên xuống, dựa vào kinh nghiệm về thời tiết… để tiến hành những chuyến ra khơi đánh bắt cá, mực quanh vùng biển cạn. “Biển cạn, đòn gánh nặng đè vai”- trước năm 2012, ngư dân quê tui dù có cố gắng lắm cũng chỉ đủ sức đóng được những chiếc tàu bơ nan có công suất dưới 30CV. Toàn xã hiện vẫn còn gần 400 chiếc bơ nan như thế…
Đội tàu đánh bắt xa bờ của thôn xã Hải Ninh đang neo đậu tại sông Nhật Lệ, chuẩn bị cho hành trình đi biển mới.
Chỉ cách đây chừng 10 năm, Hải Ninh được người ta biết đến với rất nhiều cái “không”, không điện, không đường… chỉ toàn cát và cát. Vào mùa hè, người dân ở đây muốn giao thương với bên ngoài thì phải trèo qua những cồn cát dài gần chục cây số đến bỏng rát đôi bàn chân. Hồi đó, nhiều gia đình trong xã nghèo đến nổi không sắm được đôi dép mà phải lấy tạm tấm ván hoặc bẹ chuối đeo vào chân để lội cát cho bớt nóng…
Cũng chính vì nghèo khó nên nhiều người dân trong xã đã vào tận miền Nam hay xuống Bảo Ninh, Quang Phú… (Đồng Hới) làm bạn với những tàu cá đánh bắt xa bờ để học nghề kiếm sống. “Các chú nhà báo xem, hiện tài nguyên biển, nhất là khu vực gần bờ đang ngày dần cạn kiệt. Kinh tế của xã chủ yếu nhờ biển nhưng cung cách khai thác, đánh bắt lạc hậu, lại gần bờ quá… làm sao mà khá giả lên được. Xã nghèo, ngư dân bám vùng biển cạn cũng quá nghèo, lấy đâu ra vốn liếng để sắm tàu lớn vươn khơi xa. Nhiệm kỳ nào, nghị quyết đại hội Đảng bộ xã cũng đều đưa ra quyết tâm đột phá về kinh tế biển. Họp bàn, thảo luận rồi đưa ra nhiều phương án…, nhưng để thực hiện thắng lợi quyết tâm đó đâu có dễ thực hiện được trong ngày một ngày hai.”- Bí thư Mai Đình Lừa chia sẻ.
Thấy chúng tôi tò mò muốn tìm hiểu sâu hơn về “xuất xứ” đội tàu đánh bắt xa bờ của Hải Ninh, ông Lừa tiết lộ: Đầu năm 2012, sau một thời gian theo cha vào miền Nam làm ăn, anh Mai Văn Hậu (thôn Tân Hải, xã Hải Ninh) quyết định trở về quê hương mang theo một chiếc tàu cá công suất chừng 100CV trước sự ngỡ ngàng thán phục của nhiều người. Đây là chiếc tàu cá mà anh Hậu mua lại của ngư dân trong miền Nam rồi đưa ra neo đậu tại cửa biển Nhật Lệ. Tàu có công suất khoảng 100CV. Số tiền Hậu mua tàu cá và ngư lưới cụ cũng ngót nghét gần một tỷ đồng.
Có tàu lớn, hàng ngày Hậu theo dõi thời tiết rồi tiến ra vùng biển ngoài khơi, cách đất liền chừng 40 km để đánh bắt hải sản. Nhờ mạnh dạn vươn khơi “lãi mẹ đẻ lãi con”, năm 2013, Hậu đã bán chiếc tàu này cho một ngư dân trong xã và huy động thêm nguồn vốn trong anh em bà con, ngân hàng để mua lại một chiếc tàu cá công suất lên tới 220 CV. Chiếc tàu cá này được Hậu chuyển sang cho người em vợ Trần Văn Trung làm chủ. Nhận thấy việc sắm tàu lớn vươn khơi mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ chỗ cả xã chỉ có một chiếc tàu cá công suất trên 35 CV, đến nay đã tăng lên hơn 20 chiếc, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 120 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/lao động/tháng (gấp đôi thu nhập bình quân các lao động đánh bắt gần bờ).
“Đánh bắt xa bờ hiệu quả lắm, không chỉ mang lại thu nhập ổn định, chỉ mới đóng tàu 2 năm mà nhiều chủ tàu nói trên đã trả gần như xong nợ cho ngân hàng rồi. Với những chiếc thuyền bơ nan, ngay cả khi thời tiết thuận lợi nhất cũng chẳng mấy ai dám ra khơi với khoảng cách chừng đó đâu. Thuyền nhỏ, hiệu quả đánh bắt kém…” – ông Lừa nói thêm.
Thông qua điện thoại, chúng tôi đã hẹn gặp được một số chủ tàu của xã Hải Ninh ngay tại cửa biển Nhật Lệ vào một ngày trung tuần tháng 2-2014 (âm lịch). Trần Văn Sinh, chủ tàu cá QB-94019TS giải thích: “Đội tàu đánh bắt xa bờ khoảng 20 chiếc của xã Hải Ninh sau khi vươn khơi đều về neo đậu ở khu vực này vì ở địa phương biển cạn, không thể đưa tàu vào bờ được.
Chúng tôi thường chọn thời điểm ra khơi cùng lúc và chia thành từng tốp đánh bắt gần nhau. Việc làm này nhằm hỗ trợ, chia sẻ với nhau nguồn lợi thuỷ sản, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp hoạn nạn. Nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ và cho vay thêm vốn, người dân quê tui sẽ đóng những chiếc tàu lớn hơn thế này để tiến ra tận khu vực Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt. Ở ngoài đó hải sản nhiều lắm, đóng tàu lớn mới khấm khá hơn chứ tàu này chưa ăn thua đâu. Ngư dân địa phương tui bây giờ “liều” lắm, mỗi chiếc tàu cá và ngư lưới cụ như thế này đều có trị giá cả tỷ đồng, rứa mà nhiều người vẫn mạnh dạn hùn vốn, cầm cố tài sản, vay ngân hàng để sắm mới. Dám làm dám chịu, ngư dân không bám biển thì biết làm nghề chi cho hiệu quả hơn hả các chú…”.
Trần Văn Sinh, chủ tàu cá QB-94019TS (quê ở thôn Tân Hải, xã Hải Ninh) kiểm tra ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Đến chiếc tàu cá đầu tiên ở Hải Ninh tiến ra khu vực Trường Sa
Một ngày đầu xuân 2014, mấy người bạn thân vùng bãi ngang Hải Ninh gọi điện “khoe” với chúng tôi rằng, quê hương của họ đã có chiếc tàu cá đầu tiên tiến ra khu vực Trường Sa đánh bắt. Thông tin này cũng được Bí thư Đảng uỷ xã Hải Ninh Mai Đình Lừa khẳng định là có thật, đó là chiếc tàu cá do anh Mai Văn Tuấn, thôn Tân Hải lặn lội vào tận các tỉnh phía Nam đặt đóng mới. Tàu có công suất 370 CV…
Để hiểu rõ hơn về quyết định “táo bạo” này, chúng tôi được một vị cán bộ xã Hải Ninh dẫn đến nhà anh Mai Văn Tuấn và gặp được chị Trương Thị Trường Giang (vợ anh Tuấn). Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về “xuất xứ” chiếc tàu cá lớn nhất của xã Hải Ninh (tại thời điểm này), chị Giang bộc bạch: Tàu cá của gia đình cộng thêm ngư lưới cụ hiện có giá trị xấp xỉ 5 tỷ đồng. Mỗi tháng tàu chỉ vào đất liền neo đậu chừng vài ngày rồi lại tiếp tục ra khơi, ngoại trừ thời điểm có bão lớn hoặc gió mạnh trên cấp 6 mà thôi.
Địa điểm mà tàu về neo đậu cũng liên tục thay đổi, khi thì tại cửa biển Nhật Lệ (Đồng Hới), có lúc thì vào tận Đà Nẵng. Trước đây chồng tui từng là lính nghĩa vụ công tác tại quần đảo Trường Sa 1 năm ròng. Hết nghĩa vụ, anh trở về quê rồi lặn lội xuống xã Bảo Ninh (Đồng Hới) làm bạn với những tàu cá đánh bắt xa bờ để học nghề kiếm sống. Nhờ chăm chỉ, lại tích luỹ được nhiều kinh nghiệm đi biển, một chủ tàu cá lớn có tên Thường ở xã Bảo Ninh tin tưởng giao cho làm thuyền trưởng trong nhiều năm liền, tiền công cũng được chủ tàu trả cao hơn các lao động khác.
Năm 2012, do chủ tàu bị mắc bệnh tai biến, họ phải bán tàu, thế là chồng tui thất nghiệp. Ở nhà với vợ con đến mấy tháng ròng, tui thấy anh Tuấn không chịu đi tìm việc làm mà suốt ngày thẩn thờ đi ra biển ngóng nhìn rồi thỉnh thoảng lại uống rượu say khướt… Một hôm đang nằm ngủ cạnh tui, anh Tuấn ghé tai thủ thỉ: “Anh vừa “vận động” được mấy anh em ruột và các cháu trong họ cùng hùn vốn đóng tàu lớn vươn khơi. Tất thảy mọi người cho mượn được 15 cái sổ đỏ. Vợ chồng miềng tích luỹ được chút vốn, cầm cố thêm cái sổ đỏ của nhà miềng nữa là đủ để đóng được một chiếc tàu lớn”.
Nghe đến đó tui ngồi phắt dậy quát chồng xối xả: “Anh điên à, người ta đóng tàu lớn chí ít trong tay cũng có được 1/2 tài sản. Miềng được chút vốn nho nhỏ mà anh dám làm ăn theo kiểu “tay không bắt giặc”, nếu thất bại thì không chỉ riêng nhà miềng mà cả họ hàng… cùng đi ăn xin nốt”. Tui giận chồng rồi nói càn, nhưng tui biết tính anh Tuấn đã quyết vấn đề chi thì anh sẽ cố làm cho bằng được. Từ hôm đóng tàu mới đến nay đã ra biển được 4 chuyến rồi đó (bình quân mỗi chuyến ra khơi khoảng 23 ngày).
Mỗi chuyến đi biển, anh Tuấn trả tiền công cho 20 lao động trên tàu theo cách thức 50% sản phẩm bán ra được trích để khấu hao tài sản, số còn lại chia đều cho các lao động. Tàu cá vừa “khởi đầu”, nhưng chuyến đi biển nào cũng chi trả cho mỗi lao động chừng 6 triệu đồng/chuyến, mọi người phấn khởi lắm… Tài sản của hơn 15 gia đình đã “dốc hết” vào chiếc tàu cá này, chúng tôi đặt niềm tin vào đó lớn lắm…
Chia tay bà con Hải Ninh giữa tiết trời se lạnh của mùa xuân, chúng tôi được Bí thư Mai Đình Lừa thông tin, thời gian qua, địa phương chúng tôi đã trích ngân sách hỗ trợ cho một tàu mới là 5 triệu đồng (hỗ trợ cho tàu cá có công suất từ 35 CV trở lên), dù số tiền không nhiều nhưng là để khích lệ, động viên bà con. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, chính quyền huyện Quảng Ninh đã có cơ chế hỗ trợ cho mỗi chiếc tàu cá đóng mới có công suất từ 33 đến 60 CV là 10 triệu đồng/chiếc; từ 60 đến 350 CV là 20 triệu đồng/chiếc; trên 350 CV là 50 triệu đồng/chiếc.