Đất Phương Nam xưa nay nổi tiếng với các món đặc sản vùng sông nước. Ba ngày Tết, đến những nhà hàng, khu ẩm thực vùng ĐBSCL đều thưởng thức được nhiều món đó.
Lươn ruồng sả
Lươn cỡ ngón chân cái người lớn trở lại, rộng vài hôm cho chúng nhả cặn, bọt, sạch ruột. Để nguyên con không mổ bụng, không cạo nhớt. Lá sả tươi một nắm, lót dưới nồi. Cho lươn vào, chụm lửa liu riu, đậy nắp he hé. Lươn bị nóng sẽ tìm đường thoát. Chúng chui luồn vào đám sả để trốn. Sức nóng và lá sả bén, cùng tinh dầu sả sẽ làm khô sạch nhớt của con lươn. Khi thấy da lươn nứt, có màu vàng bóng là thịt lươn đã chín. Do không mổ bụng nên máu lươn sẽ thấm, rút vào thịt, vì vậy thịt lươn rất ngọt, thơm và thật là lươn, do không dùng gia vị. Món này chấm với nước mắm cốt dừa rất bắt, ăn kèm rau thơm, khế, chuối chát, ngon đến chép miệng mới thôi.
Cá lóc hấp cơm mẻ
Cá lóc đồng chừng 0,8 – 1 kg còn sống. Hấp mẻ cũng như nướng, không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị để bảo đảm tính tự nhiên và giữ được hương vị độc đáo. Cơm mẻ có vị chua dịu, rất đặc trưng. Hành cọng cắt khúc dài, sắp xuôi, hành củ xắt mỏng, lót dưới khay hấp. Cá ngâm nước muối vài phút, rửa sạch, để lên trên bổi. Kế tiếp đắp, phủ một chén cơm mẻ lên mình cá, để lửa sôi liu riu. Thấy cá nhăn da là đã chín, gắp ra đĩa, banh xác cá dài ra, là có thể thưởng thức. Món này ăn với bánh tráng cuốn tép luộc cùng rau thơm, khế xanh, xà lách, chuối chát, bún và thịt ba rọi luộc. Nước chấm có thể là nước mắm me hoặc chút cơm mẻ dầm muối ớt.
Theo dân gian và sách y học cổ truyền, trong thịt cá lóc giàu khoáng, vitamin, ít mỡ, đạm vừa phải. Cá lóc vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng bồi bổ khí huyết, gân xương.
Ba khía rang nước mắm nhĩ
Ba khía họ giáp xác, sống vùng nước lợ, trong những khu rừng ngập nước ở ĐBSCL. Ba khía khá giống cua đồng, nhưng càng và ngoe dẹp. Trên mai có ba vạch nên gọi là ba khía. Tháng 10 âm lịch hằng năm là mùa ba khía “hội”.
Chọn con ba khía cái, do ba khía cái có nhiều nạc, thịt mềm. Cho ba khía vào xô, đổ nước ngập, dùng que đảo nhiều vòng cho sạch đất, có thể ướp ba khía với nước đá để ba khía “bất tỉnh”. Sau đó bắt từng con ra, dùng dao nhọn chích nơi yếm cho ba khía chết, để nguyên con, rửa ba khía trong nước lạnh cho sạch, sau đó cho vào rổ để ráo ít phút. Chuẩn bị một chén nước mắm nhĩ nguyên chất có rắc ít tiêu xay, dấm, đường, bột nêm…
Bắc chảo lên bếp, phi mỡ, tỏi, đổ ba khía vào xào. Khi ba khía chuyển sang màu đỏ hồng thì rưới đều chén nước mắm nhĩ lên mình ba khía, trộn đều đến khi dậy mùi thơm ngào ngạt. Lúc này ba khía đã chín. Lót rau răm dưới đáy dĩa và sắp ba khía lên. Gắp miếng ba khía cho vào miệng nhai chậm rãi, khoan thai, kẹp với cọng rau răm the the, cảm nhận được vị ngọt, béo, thơm, giòn của ba khía thấm vào chân răng, đầu lưỡi.
Càng cua đá rang muối
Cua đá khá đặc biệt, thường to bằng cườm tay trở lại, mai và càng màu tím sẫm, hình dáng giống cua đồng. Cua đá sống ở vùng bãi đá thuộc các hải đảo hoặc những bờ biển đá phía Nam. Càng cua đá rang muối là món ăn đặc sắc, dễ làm, được nhiều người ưa. Chọn càng cua tươi, to, chắc, rửa sạch, để ráo nước. Cho càng cua vào chảo gang hay chảo đất rang, trộn đều với muối hột. Đậy hé nắp chảo, lửa liu riu, khi nào nghe muối hết nổ thì bắc chảo xuống, trộn đều cho muối bám vào càng cua. Sau cùng cho nắm rau răm vào trộn sơ với càng cua. Khi ăn, dùng kìm bóp bể càng và gỡ bỏ lớp vỏ. Thịt cua đá rang muối có màu trắng, mềm, hơi dai, thơm lừng, ăn có vị ngọt, chấm với muối tiêu chanh càng ngon.