Cách nay trên chục năm, trong một lần cùng đồng nghiệp xuống xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) để tìm hiểu cơ sở thực tế của câu ca dao Đồng Nai: “Cá buôi, sò huyết Phước An/Gạo thơm Phước Khánh, tôm càng Tam An”…
…tôi được nghe ông Tư Nhu (Hồ Văn Nhu, Chủ tịch Hội Nông dân xã lúc bấy giờ, nay đã nghỉ hưu) nói một câu mà tôi cứ nhớ hoài: “Hình như ông trời thương dân vùng này nên mùa điều chín cũng là mùa chem chép ngon nhất. Chem chép thời điểm này, bắt được con có vỏ cỡ nào thì ruột gần cỡ nấy. Nấu canh chem chép cứ lựa trái điều già (đào lộn hột), giòn mà không chát để nấu thì không cần nêm nếm thêm gia vị gì cả. Cứ vậy mà ăn đến no cũng không muốn thôi!”.
Món… “trời thương”!
Liền sau đó tôi được ông Ba Trá (Lý Văn Mười) ở ấp Vũng Gấm là một “thổ địa” của vùng sông nước Phước An, lòng chảo Nhơn Trạch tự tay nấu đãi món canh chem chép nấu điều. Nước canh nóng hổi, đậm đà vị ngọt, thơm, béo của thịt chem chép hòa cùng vị chua chua, chát chát của trái điều già tạo ra một hương vị thật độc đáo. Nước canh này chan vào bún, mới vừa húp mấy muỗng đã túa mồ hôi. Gắp vài con chem chép trắng ngần chấm vào dĩa nước mắm sống dằm ớt hiểm hườm hườm, đưa vào miệng nhai lại tiếp tục ứa mồ hôi, vì… quá đã. Ít có món nào ăn trong mùa nóng mà ngon đến không biết no như canh bún chem chép nấu với điều.
Mua bán chem chép ở vựa Tư Lớn. ảnh: B.Thuận
Vợ chồng ông Ba Trá là một trong những đầu bếp khéo tay “chuyên trị” chem chép nấu điều, chem chép hấp cuốn bánh tráng… Ông Ba Trá cho rằng: “Cái món canh chem chép nấu điều ở đây không nhà nào mà hổng nấu được và nấu ngon, vì ông trời thương cho dân Phước An cái “lộc” là hễ đến mùa điều thì chem chép mập, ngon. Bí quyết là ở chỗ nấu canh nên chọn trái điều già, chớ điều chín quá thịt nhão lại mất đi vị chát, hổng ngon!”.
Cũng như nhiều người dân sống “hai chân” (làm vườn trên đất giồng kết hợp đánh bắt thủy sản) hoặc dân chuyên nghề hạ bạc ở vùng ven rừng Sác này, những năm gần đây, ông Ba Trá cải tiến việc nấu món truyền thống của vùng sông nước này trở nên hiện đại hơn bằng cái lẩu điện bóng loáng, sạch sẽ, gọn gàng, đặt một cách trang trọng trên bàn làm cho việc thưởng thức món lẩu chem chép nấu điều luôn được nóng sốt, đậm đà, hấp dẫn. Sau đó, tôi đã rất nhiều lần về lại Phước An vào mùa điều để thưởng thức cái món… ”trời thương” này với nỗi thèm nhớ thật sự, dù sau này số phận con chem chép ở Phước An trở nên long đong, lận đận và có lúc gần như tuyệt tích do nạn ô nhiễm môi trường sinh thái quá trầm trọng. Do vậy, hương vị món “trời thương” này phôi pha nhiều lắm.
Hình như người dân khắp vùng Phước An, Long Thọ đều rất mê và biết nấu món này. Nhưng cũng lạ, ở 2 xã nằm trong hệ thống sông rạch thông thương với rừng ngập mặn có khá nhiều các quán đặc sản “nghêu sò ốc hến”, trong đó quán “Bác chưa say” (chiết tự từ tên ông chủ Tám Đúng) là lâu đời và có tiếng ở Phước An, quán Ba Lai ở Long Thọ… đều không có bán món lẩu chem chép nấu điều, trong khi các món chem chép nướng mỡ hành, chem chép nướng chấm muối tiêu chanh, chem chép hấp rau răm… thì quán nào cũng có. Tôi cũng đã tò mò gõ vào Google thì thấy nhiều câu hỏi và cãi nhau loạn xạ quanh chuyện “chem chép là con gì?”, nhưng cũng đọc được mấy ý kiến khen nức nở món chem chép nướng mỡ hành. Có lẽ món canh chem chép nấu điều bình dân quá, lại mang tính thời vụ nên các quán không nghĩ đến việc khai thác kinh doanh.
Thất điều nhiều chem chép
Mùa điều năm nay, tôi trở lại Phước An vào giữa tháng 3, lọt vào những ngày trời nắng như đổ lửa, ngồi trong nhà mà nhiệt độ đã 38OC. Ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An, báo cho biết một thông tin có vui mà có cái cũng không vui. Đó là chem chép năm nay nhiều, lại bán được giá nên bà con kéo nhau đi đào chem chép đông lắm. Còn cây điều thì giảm mạnh cả về diện tích lẫn năng suất, vài năm gần đây hầu như vườn điều nào trong xã cũng đều bị chặt hạ, tém dẹp bớt để chuyển sang trồng tràm hứa hẹn có thu nhập cao hơn. Nhà nào cũng chỉ để lại chừng một vài cây trước nhà để có bóng mát và trái ăn chơi lai rai.
Nồi lẩu chem chép nấu điều.
Đến nhà nông dân cố cựu Nguyễn Văn Năm, người duy nhất còn giữ lại vườn điều rộng trên 1,2 hécta với phần lớn là giống điều cao sản nằm trên mảnh đất giồng khô cằn ở ấp Quới Thạnh, ông vui vẻ cho biết: “Điều cao sản trồng là để lấy hột, còn để ăn với chem chép phải là điều giống cũ, trái to, hột nhỏ mới ngon. Nên khi chuyển vườn điều sang giống mới là loại trái chùm nhiều hột to, tôi vẫn để lại vài cây điều bản địa để hái trái cúng đình và dành để ăn sống, nấu canh chem chép!”.
Nghe theo lời mách bảo của người dân Phước An, là “muốn biết cụ thể tình hình thu hoạch chem chép thất, trúng ra sao cứ hỏi mấy chủ vựa thu mua thủy hải sản”, tôi tìm đến vựa Tư Lớn ở ấp Bàu Bông, do bà Nguyễn Thị Lớn làm chủ. Người đàn bà 57 tuổi đã có hơn 15 năm chuyên nghề mua bán thủy hải sản sốt sắng xác nhận: “Đúng là 2 năm nay chem chép được mùa. Đặc biệt là năm nay chem chép rộ, dân đi đào chem chép đông lắm. Được mùa mà cũng được giá. Trời nắng thì chem chép ngon, thịt ngọt mà chắc. Trời đổ mưa xuống thì chem chép ốp, thịt lạt nhách, ăn hết ngon”.
Cả một vùng ngập mặn thuộc lưu vực sông Thị Vải, như: Bà Hào, Ba Gioi, ngọn Bát, ngọn Ruột Ngựa… từ sau khi Vedan ngừng xả nước thải đã có chem chép trở lại, nên cũng xuất hiện thêm một dịch vụ mới là dùng ghe máy chở người đi đào chem chép. Người đầu tiên sắm ghe máy làm dịch vụ này là anh Huỳnh Văn Dũng ở ấp Bàu Bông. Ghe anh Dũng chở được 15 người, thu mỗi người 15 ngàn đồng cho một chuyến đi. Sau khi rải khách xuống địa điểm họ yêu cầu, anh bèn tranh thủ đào chem chép, bắt đồm độp. Nước bắt đầu lớn, anh thu quân và đứng ra cân toàn bộ số chem chép của người đi đào được với giá sa cạ là 30 ngàn đồng/kg. Chở số chem chép thu mua và tự đào được về, anh lựa ra theo từng loại để bán lại cho vựa mối. Một số người ở Vũng Gấm, Bà Trường và xã Long Thọ thấy cách làm này ngon ăn liền sắm ghe làm theo…
Trả lời câu hỏi của tôi là có chừng bao nhiêu người ở Phước An tham gia và sống với công việc đào chem chép, ông Nguyễn Việt Lâm lắc đầu chịu. Vậy mà qua Long Thọ gặp ông Trần Tiến Nhạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, hào hứng thông báo: “Mùa chem chép năm nay được lắm, có những ngày rộ, cả xã Long Thọ có đến 300-400 người, phần lớn là phụ nữ kéo nhau đi đào chem chép. Còn bình thường có chừng 150 người, trong đó rất nhiều là lao động ở các công ty quay trở lại làm nghề đào chem chép chuyên nghiệp. Bà con sống nghề đào chem chép ở Long Thọ từng bị điêu đứng, khổ sở vì nạn nước thải làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn lợi thủy sản phong phú này. Chỉ sau khi Công ty Vedan ngưng xả thải, con chem chép rồi cả vộp, hến cùng nhiều loại cá, tôm có trở lại. 2 năm nay thì chem chép rộ nhiều, người đào chem chép có thu nhập bình quân từ 250 – 300 ngàn đồng/ngày nên chúng tôi cũng rất mừng!”.
>> 3 ấp: Vũng Gấm, Bà Trường và Bàu Bông là nơi có dân sống nghề đào chem chép nhiều nhất trong xã Phước An, nên cũng có đến hàng chục vựa thu mua chem chép, phần lớn là cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Tại vựa bà Tư Lớn, bán ra 1kg chem chép loại 1 (lớn nhất): 50 ngàn đồng, loại 2: 40 ngàn đồng, loại 3: 30 – 35 ngàn đồng. |