Theo thông tin tại hội nghị chuyên đề về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, vốn tín dụng của phía ngân hàng đã đáp ứng kịp thời cho ngành thủy sản trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu.
Những thành quả về sản lượng và giá trị xuất khẩu của thủy sản thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ phía ngân hàng, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra. Các chính sách tín dụng đặc thù của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với người nuôi, chế biến, xuất khẩu thủy sản; góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở khu vực nông thôn. Cụ thể, trong năm 2013, dư nợ cho vay nuôi trồng, khai thác, thu mua, chế biến cả nước đã tăng 9,4% so cuối năm 2012; đến hết quý I/2014, con số này ước khoảng 54.000 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cuối năm 2013.
Chế biến cá tra xuất khẩu – Ảnh: Huy Hùng
Nhiều chuyên gia nhận định, để tiếp tục góp phần phát triển kinh tế biển, khai thác hải sản xa bờ, gắn với quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngành ngân hàng cần ưu tiên và tích cực thực hiện đầu tư tín dụng cho ngư dân. Đồng thời, nghiên cứu để có chính sách tín dụng đặc thù, đột phá đối với cho vay khai thác và nuôi thủy sản, theo mô hình liên kết chuỗi giá trị của sản phẩm thủy sản…
Theo chia sẻ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, trước mắt, ngành ngân hàng dành 10.000 tỷ đồng để cho vay đóng mới tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, với mức lãi suất ưu đãi 6%/năm; Tuy nhiên, để những chính sách này có hiệu quả cao nhất, thì các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp cần thực hiện liên kết trong quá trình khai thác nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm khép kín (đóng tàu – khai thác – hậu cần thủy sản – tiêu thụ sản phẩm) đi vào hoạt động hiệu quả. Theo đó, ngân hàng có thể cung cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi thêm về thời hạn, lãi suất và có thể miễn tài sản thế chấp cho ngư dân.