Qua nhiều lần thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm Huế vừa thực hiện thành công quy trình sản xuất cua giống bằng việc sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp để chủ động quá trình nuôi thả cua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Cua mẹ sau khi bắt ngoài môi trường tự nhiên về được xử lý qua thuốc tím nồng độ 0,3 ppm và cho vào bể có thể tích 5 m3, với mật độ từ 2 – 3 con/m2. Cho một lớp cát dày 20 – 30 cm ở một góc bể cho cua mẹ vùi và ẩn nấp, duy trì sục khí 24/24 giờ.
Quá trình nuôi vỗ, cho cua mẹ ăn các loại thức ăn tươi sống như trìa, mực, ốc. Trìa và ốc đập vỏ, mực được cắt thành từng miếng nhỏ, phối trộn cho cua ăn ngày 2 lần, sáng từ 6 – 7 giờ, chiều từ 17 – 18 giờ. Trước khi cho ăn thì thức ăn phải rửa qua thuốc tím (5ppm), chú ý kiểm tra và vớt sạch thức ăn còn dư thừa của lần ăn trước đó.
Khi cua mẹ chuẩn bị đẻ, thì dùng vợt để chuyển ngay cua vào bể đẻ. Bể ấp trứng có thể tích từ 1 m3, cho cua mẹ ăn 1 lần/ngày và thay nước 100%; thời gian ấp trứng thường từ 9 – 15 ngày, tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường.
Ba ngày đầu sau khi nở, cho ấu trùng cua ăn thức ăn tổng hợp là Lansypost, kết hợp với Artemia sinh khối 15 – 20 con/lít/ngày. Cuối giai đoạn, bổ sung thêm thức ăn chế biến và bổ sung thêm vitamin, calcium và cho ăn; sau đó cho cua bột sử dụng thức ăn bằng thịt tôm đã lột vỏ, kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp và artemia.
Để tránh tình trạng cua ăn thịt lẫn nhau bằng cách sử dụng các sợi nilon màu xanh lá cây đã được xử lý sạch, cắt ngắn và buộc thành từng bó. Khi cua bột đến tuổi, tháo cạn nước trong bể, sử dụng vợt có kích thước mắt lưới 2 mm để thu hoạch.
Theo tính toán, năm 2013, nhu cầu cua giống trên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế cần tới 3,08 triệu con, và nhu cầu này tiếp tục tăng dần lên vào các năm sau. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có trại sản xuất để cung cấp cua giống cho ngư dân.
Người nuôi lâu nay mua cua giống chủ yếu từ Nha Trang, hoặc là khai thác tự nhiên để ươm nuôi. Điều này đã ảnh hưởng đến việc chủ động về mùa vụ nuôi cũng như việc áp dụng kỹ thuật. Hơn nữa, do một số lý do đặc trưng về điều kiện thời tiết khí hậu địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 1/2 thời gian trong năm là mưa bão, nên không chủ động được con giống và nguồn thức ăn.
Với thành công này, tỉnh Thừa Thiên – Huế có thể chủ động cung cấp được nguồn cua giống cho người nuôi trên địa bàn trong một vài năm tới.