T2, 06/07/2020 10:55

Mùa phơi cá của mẹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Sa Huỳnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) là miền gió cát. Mùa hè có thêm “món” nắng đến úa lá vàng cây. Nơi đây, tôi gặp những bà mẹ trẻ lầm lũi phơi cá dưới cái nắng như nung, lo tiền cho con lên giảng đường.

Ngại nắng… trắng tay

Chị Đẹp, 36 tuổi, cùng với các “đồng sự” của mình bưng những rổ cá đã xẻ và tẩm ướp xong, lón thón chạy ra bãi cát, nơi những chiếc nong tre trống không đang chờ “ăn” cá. Cá bây giờ đã thành những miếng thịt na ná nhau nên không phân biệt được cá gì. Nghe chị Đẹp giải thích, tôi mới hiểu “tiền thân” của mớ thịt này là cá sơn, cá phèn, cá đổng, cá chình, cá đuối, cá liệt… Một phần bán tươi tại chỗ, một phần được các chủ vựa xẻ phơi khô. Hàng trăm lao động nữ được thuê làm công việc này. Mỗi ngày có đến chục tấn cá “ướp nắng” từ cửa biển Sa Huỳnh xuôi nam, ngược bắc, lên cả Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum…

 

Phơi cá dưới trời nắng gắt – Ảnh: Trần Cao Duyên

Thấy tôi giơ máy ảnh lên, chị Đẹp xua tay cười, nói: “Đừng đừng… Tui tên Đẹp nhưng người xấu đui xấu điếc, anh chụp làm gì…”. Hơi lúng túng, tôi nói một câu sặc mùi sách vở: “Tôi chụp là chụp vẻ đẹp trong cái dáng tảo tần của chị”. Chị vặn ngay: “Cực thì nói cực cho rồi, tảo với tần gì hổng biết. Đúng là mấy ông… văn minh trình độ. Mà nè, cho tui hỏi, cực thì làm sao đẹp được?”. Thấy tôi cười gượng, chị xuề xòa ngay: “Nói cho dzui chớ chụp đi. Nhớ cho tui một tấm nghen”.

Mới 9 giờ sáng mà nắng muốn cháy da. Nón lá mong manh, không khẩu trang, không găng tay, chị Đẹp nhanh nhẹn xếp cá lên nong. Bóng chị đổ xuống, chờn vờn, đen đậm những nét đời cơ cực. Tôi bắt chuyện và cảm thấy chị rất vui khi có người “dám” dang nắng để sẻ chia cùng chị.

Chị nói mùa phơi cá từ sau tết đến tháng bảy tháng tám. Càng nắng miếng cá càng thơm ngon. Tụi tui được trả thù lao theo sản phẩm. Làm dở thì cỡ trăm, trăm rưỡi nghìn. Giỏi thì hai trăm, có khi hai trăm rưỡi hoặc hơn. Ai ngại nắng thì… trắng tay. Cái nghề phơi cá phải kiêm luôn… phơi người. Ớn nhứt là lúc trở cá. Trời nắng như đổ lửa cũng mặc kệ, cứ phải tỉ mẩn trở từng miếng cá cho nắng “thấm” đều. Cá khô, da người cũng héo. Mệt nhất là trở cá mà còn sót, miếng cá bên khô bên ướt, bị chủ trừ tiền công. Buồn năm phút rồi thôi. Nhưng khi bị chủ cho là ăn gian làm dối thì cả tuần cũng chưa hết “dị” (xấu hổ).

Con lên giảng đường, mẹ ra bãi nắng

Mấy phút nghỉ hiếm hoi dưới gốc cây trứng cá, chị Đẹp cùng mấy chị nữa, cũng là “phơi thủ”, ngồi ăn phồng tôm, uống nước lã. Điều lạ là chị nào cũng vui và hóm. Họ nói bãi phơi cá là… trung tâm tàn phá dung nhan. Họ tự nhận mình là “dân đen” với hai nghĩa: thường dân lam lũ và da đen như dân châu Phi.

Chị Đẹp nói ngồi đây có bốn năm chị có con đang học cao đẳng, đại học ở Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Riêng chị “dính đòn” nặng nhất: Con học ở TP.HCM, trăm bề tốn kém. Nhưng chị cười, nói cái bằng cử nhân của con tui… to hơn mấy cái bằng học ở “đêm buồn tỉnh lẻ”.

Chị Mười nói chừng nào con tui lấy bằng tốt nghiệp, tui cũng lấy bằng… phơi cá luôn. Mà tui lo quá mấy mẹ ơi. Bây giờ tốt nghiệp rồi thất nghiệp, dễ thành… xấu nghiệp lắm. Chị Nhẫn cười cười, nói tới đâu hay tới đó. Trước mắt là bán mặt cho cát, bán lưng cho trời để nuôi cử nhân cái đã. Chị Nga con mắt rất vui, nói “ông tướng” tui biết mình tiêu tiền phơi cá của má, nó hứa tằn tiện và học giỏi. Tui nghe cũng mừng. Riêng chị Ngọc thì tếu táo nói hồi nhỏ, bữa đầu dẫn con vào lớp 1, tui phải cầm roi vì nó cứ bám áo mẹ không chịu đi. Giờ vô đại học, nó chạy rật rật, tui theo nó mà khờ nhơn luôn. Tiếng cười của các chị giòn tan và trong trẻo.

Có một điều khiến các chị than vãn là chứng đau lưng. Tôi làm mối đắp lá này lá nọ. Nghiêm túc được một lát, các chị lại đùa, nói cuối ngày nhận tờ hai trăm… đắp lên lưng là hết đau ngay! Ở đây các chị nhận lương theo ngày. Cứ mười ngày, mỗi người được khoảng hai triệu, lại trích một nửa gởi cho con ngay. Họ không dám để tới cuối tháng, sợ thòm thèm, tiêu bậy thì chết.

Đang chuyện, chợt có người nhắc: “Hai giờ rồi. Trở cá”. Các chị đội nón lên, đi ra bãi nắng. Những cái bóng đen gầy đổ dài trên cát bỏng. Tôi chợt nghĩ có thể ngay trong lúc này, những đứa con của họ đang lên giảng đường.

Trần Cao Duyên

Thanh niên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!