Nhiều doanh nghiệp cá tra đã đầu tư cải tạo vùng nuôi nhằm chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Điều này đồng nghĩa với một số lượng lớn hộ nuôi cá tra dần bị “loại khỏi” cuộc chơi. Vietnam’s Tra, Basa đã trò chuyện với ông Hồ Văn Vàng (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông có nhận xét gì về việc các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra đang tập trung đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu?
Việc doanh nghiệp mở rộng vùng nuôi cá tra nhằm chủ động nguồn nguyên liệu có nhiều nguyên do. Thứ nhất, đã qua rồi thời Nhà nước có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra về vốn. Thứ hai, doanh nghiệp sẽ chủ động vùng nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Thứ ba, doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với hộ nuôi, như: được hoàn thuế 5% VAT tiền thức ăn (trong khi người dân nuôi cá thì không được hưởng…).
Việc làm này, theo ông sẽ tác động thế nào đến hoạt động nuôi cá của người dân?
Khi các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nuôi cá tra càng lớn thì người dân nuôi cá sẽ phải dừng lại. Vì thị trường không phải vô tận nên nuôi cá phải dựa trên nhu cầu thị trường. Đồng thời, chúng ta chỉ nuôi lượng vừa đủ hoặc thiếu một ít, để không bị khủng hoảng thừa, tình trạng giảm giá sẽ diễn ra. Nếu điều này không được giải quyết triệt để thì kịch bản bán dưới giá sàn sẽ lặp lại. Quan điểm thà nuôi ít mà có lãi còn hơn nuôi nhiều cực khổ mà lại mất vốn. Bài học năm 2012 – 2013 của ngành cá tra đã diễn ra, khi giá cá tăng mà người nuôi không có cá bán, phần lớn người nuôi phải “treo ao”, tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn…
Mặt khác, qua 2 năm (2012 – 2013), các nhà máy chế biến và xuất khẩu do cạnh tranh không lành mạnh, tranh nhau để lấy hợp đồng nên đã hạ giá bán cho khách hàng rồi về ép giá lại người dân nuôi cá, mua dưới giá sàn của người dân 3.000 – 4.000 đồng/kg, việc này đồng nghĩa người dân nuôi cá tra phải lỗ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Qua đó, với 3 vụ nuôi, người dân nuôi cá bị lỗ, đang không còn vốn để nuôi mà vẫn nợ ngân hàng; ruộng vườn, nhà cửa đều thế chấp hết. Đây là thực trạng vô cùng khó khăn của nông dân nuôi cá tra ĐBSCL hiện nay, họ đang rất cần cơ chế chính sách đặc thù của Nhà nước để tháo gỡ.
Với nông dân, thà nuôi ít mà có lãi còn hơn nuôi nhiều cực khổ mà lại mất vốn – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Vậy Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ có những tác động và giải pháp gì trước vấn đề này?
Trước thực trạng khó khăn của ngành cá tra hiện nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã rất tích cực nắm bắt thông tin về sản xuất chế biến xuất khẩu và thị trường, để tìm hướng tháo gỡ.
Văn phòng Hiệp hội, Tổng thư ký mỗi tháng họp với các Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL một lần, để lấy thông tin về thả nuôi, thu hoạch, tình hình thị trường xuất khẩu thuận lợi, khó khăn thế nào. Ban thường trực họp định kỳ hằng tháng nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra. Đang gắng hoàn thiện bộ máy tổ chức gồm 4 ban: Đối ngoại và Xúc tiến thương mại; Điều hành sản xuất, chế biến và xuất khẩu; Pháp chế, Phát triển hội viên; Xây dựng, quản lý chất lượng và thương hiệu. Đồng thời, liên tục kiến nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ, sớm ban hành những cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra ở ĐBSCL.
Theo ông, để người nuôi thực sự có hiệu quả, về lâu dài cần thực hiện những việc gì?
Qua nhiều năm ngành cá tra khó khăn, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản đã có trên 10 cuộc hội thảo với Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL. Tại đây, rất nhiều ý kiến của hộ nuôi, nhà xuất khẩu, chính quyền địa phương, nêu hết những khó khăn hiện nay và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ. Tinh thần chung các ý kiến này đã được đưa vào dự thảo Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Đặc biệt, trong Dự thảo Nghị định có các điều khoản mang tính sống còn của ngành cá tra: Quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo thương hiệu cá tra Việt Nam; Quy định về quy hoạch vùng nuôi để cân đối giữa cung và cầu (thả nuôi theo kế hoạch, quy hoạch đã được ban hành, tránh thả nuôi ồ ạt, mất cân đối sản xuất); Quy định về giá sàn thu mua nguyên liệu để người nuôi không bị lỗ. Khi Nghị định ra đời sẽ tháo gỡ ngay những khó khăn hiện tại trong chuỗi sản xuất cá tra và ngành cá tra sẽ sản xuất ổn định, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, để người nuôi cá tra độc lập tiếp tục trụ lại với nghề và phát triển bền vững trong thời gian tới, giải pháp quan trọng được đưa ra là phải liên kết sản xuất với nhau theo mô hình hợp tác xã, tạo ra nguồn cung cá tra nguyên liệu đủ lớn để kiểm soát giá bán tốt hơn. Đồng thời, hướng cộng đồng doanh nghiệp có nhà máy chế biến liên kết chặt chẽ với hộ nông dân, đầu tư cho họ vốn, sau đó bao tiêu luôn sản phẩm. Với sự liên kết này, doanh nghiệp sẽ dần hướng dẫn người dân quy hoạch vùng nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nguyên liệu luôn đảm bảo và tạo động lực thúc đẩy những hộ nuôi quy mô lớn.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Theo Dự thảo Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, từ năm 2016, nông dân, doanh nghiệp muốn tiếp tục nuôi cá tra phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn khác như ASC, GlobalGAP… Từ đó, sẽ giúp sản phẩm cá tra tạo được thế mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao tại nhiều thị trường. |