Tập trung nguồn lực chống dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Tình hình dịch bệnh trên tôm đang diễn biến phức tạp, diện tích tôm nhiễm bệnh tăng cao, mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc; tuy nhiên, để mang lại hiệu quả bền vững cho mỗi vụ nuôi, còn rất nhiều việc phải làm.

Ông Dương Tiến Thể, Phó cục trưởng Cục Thú y: Nâng cao nhận thức người nuôi

Hiện, dịch bệnh trên tôm nuôi có xu hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp, nhất là trong tháng 6 này. Vì vậy, các địa phương cần rà soát, chấn chỉnh công tác thống kê, chẩn đoán xét nghiệm, tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo về diện tích dịch bệnh thủy sản; thống nhất phân công nhiệm vụ thú y thủy sản cho Chi cục Thú y theo quy định hiện hành; hướng dẫn người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật được tổng kết từ các mô hình nuôi tôm thành công; tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo kế hoạch phê duyệt. Thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh và chất lượng các sản phẩm con giống, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi không lạm dụng các loại thuốc, hóa chất trong phòng bệnh, chỉ sử dụng thuốc, hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, của cơ quan chuyên môn để tránh tồn dư trong sản phẩm, ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Ảnh: Nguyễn Hoàng Trong

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Kiên Giang: Tăng cường công tác kiểm dịch

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã thành lập tổ kiểm dịch tại đầu mối giao thông các huyện An Biên, Vĩnh Thuận, Kiên Lương. Đến nay, tỉnh đã kiểm dịch nhập tỉnh 1.485 triệu giống, kiểm dịch hơn 610 triệu con tôm thẻ chân trắng giống, 97,16 triệu con tôm sú, 5.000 con tôm bố mẹ. Ngoài ra, tỉnh làm thủ tục và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 3 tấn hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia để phòng chống dịch. Tính đến thời điểm này, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng là 72,22 ha, thiệt hại do EMS là 4,77 ha, thiệt hại do môi trường 7.233 ha; trong đó diện tích khắc phục được là 5.139 ha, đạt 71%. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đã được cải tạo, khắc phục thả giống lại.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng: Công tác phòng bệnh còn khó

Công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm năm nay gặp nhiều khó khăn. Đến nay, diện tích tôm thả nuôi trên địa bàn tỉnh là 25.000 ha, thiệt hại 22%, trong đó diện tích thâm canh 2.200 ha, còn lại là tôm nuôi quảng canh cải tiến. Vụ tôm chính năm 2014, tỉnh khuyến cáo thả giống đợt 1 từ 15/11/2013 đến hết tháng 1/2014 và ngưng thả tôm giống trong tháng 2 – 3. Tuy nhiên, thực tế năm nay cho thấy nếu khuyến cáo nông dân ngưng thả tôm giống vào đầu mùa mưa khoảng tháng 4 – 5 là phù hợp. Bởi theo đánh giá, thời điểm này mới chính thức vào mùa mưa nên năm nay vụ nuôi tôm đến trễ. Thời tiết biến đổi thất thường, xảy ra thời tiết tiêu cực rất lớn nên khó lường trước được.

Quang Trí (Ghi)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!