Người nuôi cá bè ở Tây Ninh luôn phải làm việc quanh năm, suốt tháng nhưng nghịch lý là không thể làm giàu vì phải chịu thiệt đủ đường.
Tây Ninh: Tìm ra nguyên nhân cá nuôi bè bị chết
Mất trắng
Sau khi Sở TN – MT Tây Ninh có kết luận về việc cá nuôi bè trên sông Vàm Cỏ Đông (xã Long Thành Nam, H. Hòa Thành, Tây Ninh) chết hàng loạt là do nồng độ ôxy hòa tan trong nước thấp. Đồng thời, người nuôi cá sẽ không được bồi thường do người dân nuôi tự phát trên sông, không nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng 2020. Mặt khác cá bè bị thiệt hại không nằm trong dạng nuôi cá bị lũ lụt, thiên tai hay dịch bệnh nên không được bồi thường.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân nuôi cá không đồng tình với kết luận này.
Theo kết quả phân tích chất lượng nước trong bè nuôi cá của hộ ông Dương Thành Tuấn của Sở TN – MT Tây Ninh, nguyên nhân cá chết là do thiếu ôxy (ôxy hòa tan trong nước đo được là 0,47 mg/l). Hàng chục hộ dân tại đây cùng lãnh đạo chính quyền địa phương cũng không đồng tình với kết luận của Sở TN – MT về lý do vị trí nuôi cá bè là khu vực đông dân cư nên rác thải, nước thải sinh hoạt của các hộ dân xả trực tiếp xuống lòng sông làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước. Bởi vào thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, nước sông nồng nặc mùi hôi và sủi bọt trắng.
Trong số các hộ dân bị thiệt hại, hộ anh Dương Thành Tuấn bị nặng nhất với hơn 5 tấn cá thác lác cườm (tổng thiệt hại gần 500 triệu đồng) và hơn 20 tấn cá lóc bị “đứng”, còi cọc, chậm lớn. Hàng chục hộ dân khác đã mất trắng vốn, đang điêu đứng trước ngày đáo hạn nợ ngân hàng do vay vốn đầu tư vào nghề nuôi cá.
Hộ nuôi anh Dương Thành Tuấn bán đổ bán tháo hàng tấn cá thác lác cườm – Ảnh: Giang Phương
Hứa tìm phương án giúp dân
Tại cuộc trao đổi, lắng nghe ý của của người dân bị thiệt hại tại trụ sở UBND xã Long Thành Nam, H. Hòa Thành vừa qua, Sở TN – MT, Chi cục Thủy sản Tây Ninh đã ghi nhận ý kiến từ 16 hộ dân nuôi cá bị thiệt hại nặng. Tại cuộc họp, người dân tiếp tục bày tỏ sự không đồng tình kết luận và trình bày khó khăn khi nghề cá đã gắn liền với cuộc sống của dân hơn 10 năm qua.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND xã Long Thành Nam bức xúc: “Ngay từ khi phát hiện sự cố, địa phương đã báo lên các cấp, ngành chức năng để có hướng giải quyết nhưng đến hơn 20 ngày sau Sở TN – MT mới công bố kết quả thì người nuôi cá đã thiệt hại nặng thêm và thiệt hại sang cả lứa cá nuôi mới. Người dân nuôi cá bao nhiêu năm nay thì đây là lần thiệt hại nặng nhất. Tôi mong ngành chứa năng xem xét kỹ và có kết luận hợp tình hợp lý đồng thời có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nuôi cá”.
Ông Ngô Đức Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN – MT Tây Ninh) cho biết: “Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến của người dân báo cáo lên UBND tỉnh để có hướng tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá”.