Khi con nước sông Cửu Long trở mình mang theo màu đỏ phù sa đục ngầu, cũng là lúc những hộ dân gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản chuẩn bị bước vào mùa mưu sinh. Dù phải bươn chải nhọc nhằn nhưng trong lòng họ luôn nung nấu ước mơ về cuộc sống tốt đẹp cho thế hệ tương lai.
Như lời hẹn, sau Tết Đoan Ngọ, con nước bắt đầu “quay” sang màu đỏ phù sa với những đám lục bình từ thượng nguồn trôi dạt về báo hiệu sắp đến mùa mưu sinh của người dân vùng lũ. Anh Đinh Văn Hóa, người dân làng lọp cua xã Mỹ Đức (Châu Phú), bộc bạch: “Vào tháng 4 âm lịch, đã có khách đến đặt hàng. Sau mùng 5 tháng 5, nước ngoài sông đục lại là lúc chuẩn bị mùa lọp mới, năng suất tăng dần khi vào mùa nước nổi. Khi con nước rút, mọi người tạm xếp đồ nghề “xả hơi” vài tháng. Trong thời gian ấy, tôi lại vác vài chục lọp đi đặt theo kênh mương kiếm vài ký cua mỗi ngày, thu nhập cũng tạm đủ trang trải chi phí trong gia đình”.
Làng lọp cua tất bật đón mùa lũ đến.
Người dân làng lọp cua cứ sống theo mùa như vậy với cái nghề cha truyền con nối này. Ngoài khách hàng trong tỉnh, họ còn có mối quen ở Đồng Tháp và Long An, kể cả người dân tỉnh bạn Takeo (Campuchia) cũng xuống đặt mua. Mỗi mùa nước nổi, anh Hóa bán được từ 2.500 – 3.000 chiếc lọp cua, thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Khi con nước “nuốt chửng” hết những cánh đồng xả lũ, anh Hóa lại mang “bổn nghệ” xuống xuồng, thắng tiến đến vùng Vĩnh Gia, Vĩnh Điều (giáp ranh huyện Tri Tôn với huyện Giang Thành – Kiên Giang), có khi lên tận tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia) để đặt cua, mang lại khoản thu nhập khá.
Cùng “sống chung với lũ” như anh Hóa, nhưng anh Trần Văn Quang (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) lại vất vả hơn với công việc đặt lọp cá lóc. Vì mưu sinh, anh cũng chịu khó “xuất ngoại” sang các cánh đồng ở Pung Xăng (tỉnh Takeo) đăng ký khai thác thủy sản. “Mỗi mùa nước, để được đặt lọp cá lóc tại các cánh đồng bên đó, chúng tôi phải đóng thuế 25 triệu đồng/mùa. Nếu năm nào cá “chạy” thì cũng có miếng ăn, ngược lại là chịu lỗ vốn. Làm lụng vất vả nhưng nhiều khi không được gì cũng thấy buồn lắm. Bây giờ còn đủ sức khỏe thì phải ráng để chăm lo cho cuộc sống gia đình” – anh Quang tâm sự. Giống như anh Quang, đa số người dân ấp Vĩnh Hòa đều sống chủ yếu nhờ làm thuê tại các địa phương khác vào mùa khô. Khi mùa nước nổi tràn về, họ lại tất bật chuẩn bị ngư cụ đánh bắt cá. Anh Quang đã kéo chiếc xuồng của mình lên trét lại dầu chai cho chắc chắn. Những chiếc lọp đã phơi khô rồi xếp ngay ngắn dưới sàn nhà từ cuối mùa lũ trước giờ cũng được đem ra kiểm tra lại kỹ càng.
Làng lọp cua tất bật đón mùa lũ đến.
Tại xã Khánh An (An Phú), các hộ chuyên sống bằng nghề bắt ốc cũng chuẩn bị mùa làm ăn. Anh Ngô Văn Út Em tâm sự: “Thời điểm này, ốc chưa có nhiều, phải đợi đến khoảng tháng 7 – tháng 8 âm lịch, chúng tôi mới có thu nhập khá hơn nhờ sản lượng ốc dồi dào”. Theo anh Út Em, những người chuyên sống nhờ con ốc chỉ thực sự có thu nhập khá vào mùa lũ. Với họ, lũ về cũng đồng nghĩa với việc thu nhập gia đình tăng lên so với những tháng mùa khô.
Dù vất vả, nhưng những người dân vùng lũ vẫn gửi gắm rất nhiều ước vọng vào thế hệ tương lai. Tại các ấp thường ngập sâu trong mùa lũ của xã Vĩnh Hội Đông như Vĩnh An, Vĩnh Hòa thì ngày ngày trẻ em vẫn đến trường tìm con chữ. Trong điều kiện khó khăn nhất, anh Quang vẫn muốn con mình đến trường vào mùa nước nổi. Mỗi chuyến mưu sinh trở về, được thấy con cắp sách đến trường thì đó là niềm vui, niềm động viên anh tiếp tục đương đầu với khó khăn, để mang đến nguồn sống cho gia đình. Anh Quang tâm sự: “Mùa nước nổi năm nào con tôi cũng được chính quyền địa phương và một số đơn vị tổ chức đưa đón tới trường. Bản thân mình ít chữ nên phải cực thân, tôi sẽ ráng lo cho con đi học để có thể tiến thân sau này, không phải vất mưu sinh khi mùa nước lũ tràn đồng”.