Thời cổ xưa, ngư dân Trung Quốc và Nhật Bản đã biết cách nuôi và huấn luyện chim cốc bắt cá. Nghệ thuật đánh cá này được ngư dân Nhật Bản gọi là “Ukai”. Ngày nay, Ukai vẫn tồn tại ở một vài địa phương, đặc biệt phổ biến ở sông Nagara, quận Gifu, nơi đã duy trì nghệ thuật Ukai hơn 1.300 năm.
Cốc thuộc họ chim biển, hầu như chỉ ăn cá. Chúng được mệnh danh là “vua săn cá”. Cốc đợi con mồi ở bờ biển hoặc ven sông, khi thời cơ chín muồi, chúng lao ra nhanh như cắt, lặn hụp dưới nước, tự đẩy thân mình lao về phía trước bằng cánh và chân rồi dùng mỏ tóm lấy con cá và nuốt vào cổ họng.
Thời điểm lý tưởng nhất để đi săn cá bằng cốc là lúc chạng vạng tối. Một nhóm ngư dân tập trung trên những chiếc thuyền gỗ dài buộc 12 con cốc. Những “trợ thủ” này sẽ bơi theo mạn thuyền, lặn sâu xuống nước để bắt cá và nuốt trọn chúng vào cổ họng. Để cốc không nuốt cá to, ngư dân phải dùng một sợi dây thắt ở cổ họng của chúng. Cùng một lúc, một con cốc có thể giữ được 6 con cá trong cổ họng.
Mỗi con thuyền được trang bị những bó đuốc lớn để cung cấp ánh sáng. Ngày nay, có rất nhiều phương pháp đánh bắt cá hiện đại và hiệu quả hơn, nhưng nghệ thuật đánh bắt cá bằng chim cốc vẫn được duy trì và phát triển để thu hút khách du lịch. Đánh bắt cá bằng chim cốc đòi hỏi ngư dân phải có kỹ thuật điêu luyện, do đó, nghề này vẫn được lưu truyền qua nhiều đời với tên gọi “thợ đánh cá của hoàng gia”.
Ngư dân vùng Nagara đã biết dùng chim cốc để săn bắt cá để kiếm sống cách đây hơn 1.300 năm.
Khi nghề đánh bắt cá độc đáo này được bảo trợ bởi Hoàng gia, sông Nagara được bảo vệ, giữ gìn trong sạch, để có thể tiếp tục duy trì, phát triển nghệ thuật Ukai qua nhiều đời.
Ngày nay, Ukai được coi là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận.
Thực tế, số lượng cá mà chim cốc săn được ngày càng ít đi do sự xuất hiện của các phương pháp đánh bắt cá hiện đại hơn.
Tuy nhiên, nghệ thuật đánh bắt cá độc đáo này vẫn tiếp tục tồn tại ở thành phố Gifu và thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới.