Ở huyện Cái Nước (Cà Mau), dù người dân đang ào ào mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp thì ông Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Thanh Giảng vẫn khẳng định: Nuôi tôm quảng canh cải tiến và tôm – lúa là hiệu quả nhất. Trong diện tích nuôi tôm nước lợ của huyện hơn 30.000 ha, nuôi quảng canh cải tiến 9.000 ha, tôm – lúa 2.000 ha và tôm công nghiệp 1.500 ha, còn lại nuôi quảng canh truyền thống. Ông Giảng giới thiệu các phương thức nuôi tôm.
Nuôi quảng canh truyền thống là mở cống đón nước tự nhiên có ấu trùng tôm vào đồng ruộng, đến ngày đặt lú bắt lên. Có thể thả bù, thả nối thêm giống. Cách nuôi này không cắt vụ, phơi ao nên không dứt được mầm bệnh, thủa đất rộng người thưa “làm chơi ăn thật”, còn bây giờ môi trường ô nhiễm, hệ thống kênh mương tắc nghẽn rất dễ trắng tay.
Nuôi quảng canh cải tiến: có cải tạo ao, xử lý nước, thả giống mật độ 5 – 7 con/m2, cho ăn dặm ngày một lần. Không sử dụng điện chạy quạt, nhiều khi đào mương quanh ruộng để nuôi, còn giữa ruộng vẫn để năn, mắm và nuôi thêm cua, sò. Năng suất một vụ trên 350 kg/ha là đạt yêu cầu. Nhiều người thả tôm giống nhỏ trong vèo, khi tôm lớn mới cho ra ruộng nên hao hụt thấp, hiệu quả cao. Cái lợi về môi trường rất dễ thấy, ít bị tác động nên hệ sinh thái ổn định, ít dịch bệnh và con tôm cũng “sạch” nên được giá, tất cả dẫn tới hiệu quả kinh tế – xã hội bền vững.
Tôm – lúa từ lâu đã được khẳng định, tuy nhiên có hạn chế là phụ thuộc trời mưa để rửa mặn, khó mở rộng ở Cà Mau. Năm thành công, một hécta thu được 500 kg tôm, 3 – 3,5 tấn lúa nhưng lại có năm mưa ít thì thất bại.
Còn nuôi tôm công nghiệp năng suất cao nhưng đòi hỏi đầu tư lớn, đồng bộ và theo Trưởng phòng Giảng, với tình trạng hộ dân tự phát như lâu nay là “không bền vững”. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, nuôi tôm công nghiệp muốn bền vững phải có sự quản lý của nhà nước. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) Đặng Kiều Nhân cho biết, kinh nghiệm của một số nước tiên tiến, nhà nước quy hoạch, đầu tư hạ tầng và có chính sách khuyến khích đầu tư. Khi đã thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư, nhà nước lùi ra lo chính sách thúc đẩy phát triển. Ở ta, quy hoạch mới chủ yếu “trên giấy”, chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp về “nói chơi chơi” rồi đi, việc nuôi tôm công nghiệp đều do nông dân tự phát, rất bấp bênh.
ĐBSCL từng có đặc sản tôm khô Vinh Kim nổi tiếng ở huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận là thương hiệu độc quyền giữa năm 2005, nay không còn cũng vì “quy hoạch trên giấy”. Địa thế nằm giữa sông Cổ Chiên và Cung Hầu của sông Tiền, nửa năm ngọt nửa năm lợ, sinh ra con tôm bạc đất rất ngon. Huyện Cầu Ngang từng thu hoạch một năm 10.000 tấn và quy hoạch 5.000 ha. Trong đó, nhiều nhất ở xã Vinh Kim. Nhưng không có giải pháp đầu tư nên con tôm sú và tôm thẻ chân trắng lấn át mất. Hợp tác xã Bình Minh chuyên chế biến tôm khô ở xã Vinh Kim vừa giải thể, từ hàng trăm hộ xã viên nay chỉ còn hộ bà Trần Thị Khâm ở ấp Chà Và làm cầm chừng “cho đỡ nhớ nghề truyền thống”.