Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Vậy, cần làm gì để nghề nuôi này tìm lại được lợi thế của mình, TSVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Khánh Ly (ảnh), Vụ phó Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản.
Tôm hùm có giá trị kinh tế cao nhưng thời gian qua tôm hùm chưa thực sự ghi nhận thành công. Nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
Hàng năm, ngành thủy sản thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng, phương pháp phòng trị bệnh tôm hùm. Năm 2008, Bộ NN&PTNT dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng tập trung các nhà khoa học đầu ngành đã nghiên cứu và giải quyết được nguyên nhân gây bệnh sữa tôm hùm với kinh phí hàng tỷ đồng. Đến nay, hàng năm kinh phí cho nghiên cứu các đề tài khoa học, khuyến nông, khuyến ngư và cảnh báo môi trường vùng nuôi tôm hùm mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo xây dựng ban hành Quyết định số 2383/QĐ-BNN-NTTS ngày 6/8/2008 về Ban hành Quy định tạm thời về nuôi tôm hùm. Nội dung quy định đầy đủ về các điều kiện vùng nuôi, sản xuất giống, kỹ thuật nuôi.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm đã được quan tâm nhưng thực sự chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn do:
Sự chủ động trong khoa học công nghệ sản xuất giống còn hạn chế, giống nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên khai thác nên không thể chủ động phát triển.
Thị trường tiêu thụ hẹp, sản phẩm tôm hùm thịt chỉ có giá trị tươi sống nên khả năng tiêu thụ phụ thuộc thị trường yêu cầu.
Hiện tại đầu ra của tôm hùm thịt là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Vì vậy, thị trường bấp bênh, cho dù đã có sự xúc tiến thương mại chào hàng sang Đài Loan, Singapore, Hồng Kông nhưng chủ yếu vẫn là Trung Quốc.
Do vậy, đối với tôm hùm tuy là loài thủy sản có giá trị kinh tế nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro do các yếu tố khách quan đưa lại, từng bước sẽ khắc phục.
Thực tế hiện nay là đầu ra cho sản phẩm tôm hùm còn khó khăn, vấn đề này được ghi nhận như thế nào và giải pháp thực hiện, thưa ông?
Tôm hùm là đối tượng có giá trị cao, giá thành và giá bán thương phẩm rất cao trung bình 1,5 – 1,7 triệu đồng/kg, do vậy với thị trường nội địa rất ít người dân đủ điều kiện tiêu thụ.
Cùng đó, sản phẩm tôm hùm thịt chủ yếu là xuất tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc, cho nên nếu thị trường Trung Quốc khép lại thì khả năng tiêu thụ bị ảnh hưởng lớn. Đồng thời, tôm hùm thịt chỉ có giá trị tươi sống không chế biến đông lạnh xuất khẩu. Điều kiện tiêu thụ gặp khó khăn nhất định.
Bàn về giải pháp hiện tại, một số doanh nghiệp cũng đã thực hiện việc tiếp thị sản phẩm tôm hùm tươi sống vận chuyển bằng đường biển sang các thị trường Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore nhưng số lượng cũng chưa nhiều. Vì vậy, để có giải pháp cần tiếp tục mở các hội chợ quảng bá sản phẩm tôm hùm thịt, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, ngành chế biến cần đầu tư chế biến sản phẩm tôm hùm có giá trị gia tăng. Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản.
Do vậy, cần huy động vốn và mở rộng thị trường cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ tôm hùm, xây dựng chính sách huy động vốn phù hợp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nuôi tôm hùm quy mô hàng hóa, tạo nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án hạ tầng khu nuôi tôm hùm tập trung.
Nuôi tôm hùm tại Bình Định – Ảnh: Đoàn Ngọc Nhuận
Song song đó, đẩy mạnh phát triển về thị trường bằng cách tổ chức xây dựng mạng lưới bảo quản và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm dưới dạng tươi sống. Các kênh tiêu thụ chủ yếu là các thành phố lớn và các khu vực lân cận. Nhà nước hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản nhằm giúp cho người dân yên tâm phát triển nuôi. Tập trung xây dựng thương hiệu con tôm hùm cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Cần tăng cường biện pháp chế biến, tiêu thụ và tổ chức thương mại đối với tôm hùm.
Quy hoạch vùng nuôi tôm hùm để tạo sự ổn định và bền vững nghề nuôi tôm hùm, quan điểm của ông về điều này?
Vấn đề quy hoạch vùng nuôi hùm để tạo sự ổn định và bền vững được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thủy sản tiến hành quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, để làm tốt vấn đề này cũng cần sự chỉ đạo thực hiện quy hoạch của các địa phương các vùng nuôi phải được quy hoạch, không phát triển nóng, cân đối nguồn lợi giống và bảo vệ nguồn giống thiên nhiên. Tuyệt đối thực hiện tốt tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi tôm hùm để đảm bảo không ô nhiễm vùng nuôi và dịch bệnh để nghề nuôi tôm hùm đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngành thủy sản cần sớm ban hành Quy chuẩn quốc gia về Điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y. Tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển nuôi tôm hùm để các địa phương làm căn cứ quy hoạch chi tiết cho từng vùng, từng địa phương… Cùng đó, kiên quyết chỉ đạo thực hiện nuôi tôm hùm theo đúng quy hoạch và có chế tài đủ mạnh để thực hiện, hạn chế phát triển tràn lan.
Trân trọng cảm ơn ông!