Nội dung đầu tiên của Nghị định 36 về cá tra là “quy hoạch nuôi”. Quy hoạch phải “phát huy lợi thế và tiềm năng của từng địa phương, phù hợp với khả năng tiêu thụ cá tra trên thị trường”. Trên cơ sở hiện trạng, “phân tích, đánh giá, dự báo nhu cầu, giá cả và khả năng cạnh tranh của cá tra”, từ đó “xác định diện tích, sản lượng của vùng nuôi cá tra thương phẩm”. Tóm lại, quy hoạch phải phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu của thị trường.
Cuộc khủng hoảng cá tra kéo dài mấy năm nay, theo nhiều chuyên gia là do phát triển tự phát “vượt quá quy hoạch”. Tuy nhiên, thực tế, diện tích và sản lượng cá tra ở ĐBSCL những năm qua chưa bao giờ đạt được theo quy hoạch năm 2008, nhưng vẫn vượt quá nhu cầu của thị trường; điều này chứng tỏ chất lượng quy hoạch thấp. Còn nói như Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, TS Nguyễn Thanh Tùng, là do “quy hoạch duy ý chí”.
Quy hoạch năm 2008 đề ra diện tích nuôi cá tra của năm 2010 là 8.600 ha, năm 2015 hơn 11.000 ha. Thực tế, những năm qua, chưa năm nào diện tích đạt tới 6.000 ha nhưng sản lượng cá tra đã vượt quá nhu cầu thị trường. Năm 2013, diện tích chỉ 5.050 ha, sản lượng hơn 1,1 triệu tấn.
Như thế, vấn đề đặt ra hiện nay là quy hoạch phải sát thực tế hơn, có chất lượng cao hơn. Viện trưởng Tùng thừa nhận, quy hoạch “rất phức tạp” vì phải kế thừa tất cả thuận lợi và khó khăn của thực trạng duy ý chí trước đây để lại. Dự thảo quyết định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quy hoạch nuôi cá tra đặt mục tiêu: Diện tích năm 2015 hơn 5.200 ha và đến năm 2020 hơn 7.200 ha. Sản lượng tương ứng là 1,2 triệu tấn và 1,6 triệu tấn. Ba địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất là Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ.
Xác định diện tích nuôi dựa vào thực trạng và tiêu chí thổ nhưỡng: gần sông lớn, không có phèn tiềm tàng, không bị ngập vào mùa mưa và không thiếu nước vào mùa khô. Dự kiến vùng quy hoạch nuôi cá tra tập trung trên các cù lao lớn giữa sông Tiền và sông Hậu, ven hai con sông này không quá 500 mét hoặc không quá 400 mét ven các nhánh của hai con sông. Theo dự thảo, đó là những vùng nuôi tối ưu khai thác có hiệu quả tiềm năng.
Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo về quy hoạch nuôi cá tra do Tổng cục Thủy sản tổ chức ngày 10/7, ở TP Cần Thơ, có một số ý kiến từ thực tế rất đáng xem xét để đảm bảo quy hoạch có chất lượng cao.
Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết, trước đây, đào ao ở các hòn cù lao giữa sông và ven bờ sông Hậu, sông Tiền nuôi cá tra đạt hiệu quả cao, còn bây giờ hao hụt đến 40 – 50%, nuôi kéo dài 8 – 9 tháng. Ông Hùng phân tích, mấy chục cây số sông Tiền và sông Hậu không còn kiểm soát được tình hình ô nhiễm, nhất là càng về hạ lưu thì triều cường khiến chất thải từ thượng nguồn không thoát hẳn được ra biển. “Doanh nghiệp chạy xa sông cả rồi. Tôi có 42 ha ngoài đó cũng đang phải chuyển vào nội đồng, trong này giống chỉ hao hụt 10 – 20%, nuôi 6 tháng đã thu hoạch vì kiểm soát được môi trường”, ông Hùng nói.