T2, 06/07/2020 11:11

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ (Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm)

Chưa có đánh giá về bài viết

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nuôi bán thâm canh và thâm canh tôm sú; nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (TTCT) trên phạm vi cả nước.

Quy định kỹ thuật

Địa điểm nuôi

– Nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm sú và TTCT của địa phương hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

– Có nguồn nước bảo đảm cung cấp đủ cho quá trình nuôi tôm.

– Có nguồn điện lưới ổn định hoặc máy phát có công suất phù hợp và giao thông thuận tiện.

– Không bị ảnh hưởng bởi chất thải sinh hoạt và chất thải từ hoạt động của các ngành kinh tế khác.

 

Cơ sở hạ tầng

Ao nuôi

– Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn. Độ sâu mực nước của ao nuôi tối thiểu 1 m (đối với tôm sú) và 1,1 m (đối với TTCT).

– Hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Không có cống thông giữa các ao nuôi.

Ao chứa/lắng

– Có diện tích tối thiểu 15% tổng diện tích ao nuôi.

– Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn.

Ao xử lý nước thải

– Có khu xử lý nước thải chung của vùng nuôi hoặc có ao xử lý nước thải riêng của cơ sở nuôi.

– Đặt cách ao nuôi, ao chứa/lắng và ao nuôi của hộ nuôi liền kề ít nhất 10 m.

– Có diện tích tối thiểu 10% tổng diện tích ao nuôi. Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn.

Khu chứa nguyên vật liệu

– Có mái che, khô ráo, thông thoáng. Được ngăn riêng biệt cho từng loại nguyên vật liệu.

– Thức ăn, ngư cụ, thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường sử dụng trong quá trình nuôi được đặt trên kệ. Kệ đặt cách tường và nền nhà ít nhất 0,3 m. Có biện pháp ngăn chặn côn trùng và động vật gây hại.

– Khu chứa xăng, dầu phải cách biệt ao nuôi, ao chứa/lắng và hệ thống cấp nước; không rò rỉ ra khu vực xung quanh.

Dụng cụ, thiết bị

– Trong quá trình nuôi, dụng cụ, thiết bị (trừ các thiết bị đo chỉ tiêu môi trường) không được dùng chung giữa các ao nuôi. Sau mỗi đợt sử dụng phải được vệ sinh sạch sẽ và phơi khô.

– Động cơ và thiết bị sử dụng trong cơ sở nuôi bảo đảm không bị rò rỉ xăng, dầu ra khu vực xung quanh.

 

Hoạt động nuôi tôm sú và TTCT

Chuẩn bị ao nuôi

– Trước khi thả giống, phải cải tạo ao, bảo đảm đáy ao phẳng, dốc nghiêng về cống thoát, không bị thấm, không có mùn bã hữu cơ; pH của đất > 7.

– Chất lượng nước cấp vào ao nuôi bảo đảm giá trị của các thông số theo quy định tại bảng 1 – Phụ lục 1.

– Không có địch hại (tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp…) trong ao.

Giống thả nuôi

– Phải có các giấy tờ, hóa đơn ghi xuất xứ rõ ràng; giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền.

– Cỡ giống thả nuôi: Đối với tôm sú: tối thiểu Pl15, tương ứng chiều dài 12 mm; Đối với TTCT: tối thiểu Pl 12, tương ứng chiều dài 9 – 11 mm.

– Thả giống đúng lịch thời vụ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Thức ăn

– Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa.

– Thức ăn cho từng cỡ tôm, liều lượng và số lần cho ăn trong ngày thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước.

– Không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng.

Thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường

– Phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa.

– Liều lượng và số lần sử dụng trong ngày thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước.

– Không sử dụng sản phẩm khi đã hết hạn sử dụng.

Môi trường ao nuôi

– Kiểm tra hàng ngày đối với các chỉ tiêu: ôxy hòa tan (DO), pH, độ mặn, độ trong, nhiệt độ và 3 – 5 ngày/lần đối với các chỉ tiêu: độ kiềm, NH3, H2S, bảo đảm giá trị của các thông số quy định tại bảng 1 – Phụ lục 1.

Sức khỏe tôm nuôi

– Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết, chủ cơ sở phải báo cáo ngay cho cán bộ thú y xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất; đồng thời báo ngay cho các hộ nuôi xung quanh để có biện pháp phòng, chống.

– Không chuyển tôm bệnh từ ao này sang ao khác trong thời gian đang có bệnh xảy ra.

– Các ao nuôi tôm bị bệnh, sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy phải khử trùng nước; tẩy trùng, sát khuẩn, xử lý nền đáy; diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh trong ao.

– Những người tham gia quá trình xử lý, tiêu hủy tôm phải thực hiện vệ sinh cá nhân để tiêu diệt mầm bệnh, tránh làm phát tán mầm bệnh ra các địa điểm khác.

Thu hoạch

– Khu vực cân, giao tôm không bị ngập và đọng nước. Không để nước chảy vào ao nuôi.

– Dụng cụ chứa tôm sau thu hoạch phải làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không gỉ sét, không bị ăn mòn, có bề mặt nhẵn.

– Phải tuân thủ quy định của Bộ NN&PTNT về thời gian ngừng sử dụng thuốc, hóa chất trước khi thu hoạch.

Nước thải, chất thải

– Nước từ ao xử lý nước thải chỉ được xả ra môi trường xung quanh khi bảo đảm giá trị của các thông số quy định tại bảng 2 – Phụ lục 1.

– Không xả nước thải sinh hoạt vào ao nuôi và ao chứa/lắng.

– Rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi phải được cho vào thùng chứa có nắp đậy. Thùng chứa không được đặt trên bờ ao nuôi và ao chứa/lắng.

Ban Pháp luật - Bạn đọc - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!