Hải Dương là tỉnh đi đầu về chuyển đổi diện tích từ trồng lúa sang nuôi thủy sản ở miền Bắc, mang lại lợi nhuận lớn cho người dân. Tuy nhiên, để nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, Hải Dương cần có giải pháp quản lý sức khỏe vật nuôi phù hợp và đồng bộ.
Sự cần thiết
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển dịch kinh tế của Ban thường vụ tỉnh, ngành thủy sản Hải Dương đã và đang thực hiện những đề án, dự án chuyển đổi đất trũng, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên diện rộng; Cùng đó, kết hợp với việc áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, phương thức nuôi, thị trường… Theo đó, nghề nuôi thủy sản của tỉnh đã có tốc độ phát triển cao cả về diện tích, năng suất, sản lượng, đưa giá trị sản xuất tăng bình quân trên 10%/năm.
Nuôi thủy sản tại Hải Dương thường theo hình thức bán thâm canh và thâm canh, lượng thức ăn công nghiệp sử dụng nhiều; trong khi, hệ thống thủy lợi riêng cho các vùng nuôi tập trung chưa có, nguồn nước đã bị ô nhiễm do nước thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt; Mặt khác, việc quản lý môi trường nước ao nuôi còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức làm dịch bệnh phát sinh.
6 tháng, sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh Hải Dương ước đạt 28.697 tấn Ảnh: Vũ Mưa
Hiện trạng nuôi và quản lý sức khỏe thủy sản
Hiện trạng nuôi
Theo Báo cáo của Chi cục Thủy sản Hải Dương năm 2012 cho thấy: Diện tích ao, hồ mặt nước nuôi thủy sản giai đoạn 2008 – 2012 khoảng 10.000 ha, tăng gần 1.000 ha so năm 2006. Do lợi nhuận cao hơn trồng lúa, ở vùng đất trũng nhiều địa phương đã chuyển đổi và đến 2012 đã hình thành 35 vùng nuôi thủy sản tập trung có quy mô từ 30 ha trở lên. Trong đó, 10 vùng được ngân sách hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng diện tích là 1.114 ha. Với năng suất bình quân năm 2010 đạt 5,3 tấn/ha, tăng 1,52 tấn so năm 2006 (3,78 tấn/ha), tốc độ tăng trung bình 11%/năm. Sản lượng nuôi năm 2010 đạt 51.765 tấn và năm 2012 ước đạt 51.500 tấn.
Hiện trạng quản lý sức khỏe thủy sản
Nguồn giống còn trôi nổi, chưa thực sự truy xuất được nguồn gốc, vì vậy chất lượng con giống chưa đảm bảo. Kỹ thuật nuôi còn theo hình thức nuôi truyền thống là chủ yếu, nuôi công nghệ cao thường bị dịch bệnh. Dịch bệnh thủy sản nuôi có chiều hướng gia tăng do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về mang theo chất thải và vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, thời tiết diễn biến bất thường làm cho môi trường nước biến đổi đột ngột nên vật nuôi dễ bị sốc, tạo điều kiện thuận lợi cho một số tác nhân bệnh phát triển gây ra một số bệnh trên các đối tượng nuôi như xuất huyết, liên cầu khuẩn, viêm ruột, ký sinh trùng, sán lá đơn chủ…Tuy công tác quản lý sức khỏe động vật thủy sản đã được quan tâm, nhưng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người nuôi từ xử lý các tình huống, quy hoạch vùng nuôi, cán bộ chuyên môn còn hạn chế.
Những tồn tại, yếu kém trong nghề nuôi thủy sản đã được ngành NN&PTNT Hải Dương đánh giá trong đề án “Phát triển chăn nuôi – thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường giai đoạn 2011 – 2015”, cũng là những tồn tại cần được khắc phục như:Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cho NTTS chưa được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng. Việc kiểm tra chất lượng nước cũng như sử dụng nước trong NTTS còn khó khăn, hạn chế, đặc biệt là các ao hồ nhỏ, các vùng chuyển đổi tập trung sử dụng nguồn nước từ sông Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cá và lây truyền dịch bệnh.
Dịch bệnh cá ngày càng tăng (vụ xuân, vụ thu đông) từ cá rô phi đến trắm cỏ (năm 2010), và sử dụng thuốc phòng trị bệnh cá chưa đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật… làm thiệt hại cho nông dân.Mặc dù tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, xây dựng mô hình trình diễn về nuôi thâm canh theo GAP hay nuôi các đối tượng mới nhưng kinh phí còn hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình thực tế.
Cá chiên, một đối tượng nuôi đặc sản được Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc nhân giống cung cấp cho người nuôi Ảnh: Lại Cường
Giải pháp quản lý sức khỏe thủy sản
Quy hoạch và quản lý
Quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung theo qui định của UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2008 – 2015, đáp ứng các điều kiện vể: quỹ đất, quy mô từ 10 ha trở lên, đảm bảo vệ sinh môi trường và dịch bệnh.Củng cố và nâng cao chất lượng về quản lý nhà nước về sản xuất dịch vụ, nhập khẩu… các loại giống thủy sản (cá truyền thống, cá giống mới, đặc sản) đảm bảo con giống tốt đến người sản xuất.Cần chấn chỉnh hoạt động cung cấp và sản xuất con giống theo hướng bền vững và hiệu quả, cần tăng cường công tác kiểm dịch thủy sản; kiểm tra điều kiện sản xuất các cơ sở giống cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, có hồ sơ theo dõi; con giống có nguồn gốc xuất xứ. Cần có biện pháp mạnh như rút giấy phép sản xuất kinh doanh nếu vi phạm nhiều lần. Chọn giống, tiếp thu, ứng dụng các thành tựu kỹ thuật tiên tiến phù hợp với địa phương. Áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ gen vào sản xuất, tạo ra giống mới có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt và nhân rộng qua mô hình thử nghiệm, trình diễn…
Việc áp dụng GAP/BMP trong nuôi thủy sản là xu hướng bắt buộc trong tương lai. Để sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, nuôi thủy sản phải theo quy trình GAP. Vì vậy, trong quản lý cần hỗ trợ của luật, quy định của Nhà nước. Từ đây, sản phẩm thủy sản GAP có thể tránh được dư lượng chất độc hại (hóa chất, kháng sinh), giảm thiểu ô nhiễm gây ra.
Quản lý tốt chất lượng nguồn nước, xử lý dịch bệnh, sử dụng hóa chất, nâng cao chất lượng tư vấn và dịch vụ về nuôi thủy sản cho nông dân. Làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường kiểm tra việc quản lý sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc và hóa chất.
Giải pháp về cơ chế chính sách
Cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ; xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất thủy sản, từng bước xã hội hóa công tác ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tập huấn nâng cao năng lực sử dụng trang thiết bị hiện đại; bổ sung, nâng cao trình độ, năng lực công tác nguồn nhân lực phục vụ trong quản lý sức khỏe thủy sản hiện nay còn yếu và thiếu.
Ngoài ra, xây dựng mô hình nuôi, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật tổ chức tham quan hội thảo… nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh thủy sản cho nông dân. Tiếp tục củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ thủy sản (quản lý nhà nước, khoa học kỹ thuật), các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình kinh doanh dịch vụ về thủy sản.
Tăng Thị Mỹ Trang
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia