Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, kết quả xét nghiệm, phát hiện ra virus Taura ở Bình Thuận và cả ở TP.Hồ Chí Minh là hoàn toàn không chính xác do các đơn vị này chỉ là các trạm kiểm dịch của địa phương, không đủ điều kiện kỹ thuật để xét nghiệm.
TP. HCM cũng nhầm lẫn
Như NTNN đã thông tin trước đó, báo cáo của Cơ quan Thú y Vùng VI (Cục Thú y) cho thấy, việc nhầm lẫn kết quả xét nghiệm từ âm tính thành dương tính của loại virus cực kỳ nguy hiểm gây ra bệnh trên tôm thẻ chân trắng không chỉ xảy ra ở Bình Thuận mà còn thêm một địa phương khác là TP.Hồ Chí Minh cũng nhầm lẫn tương tự.
Cụ thể, tại hộ gia đình ông Trần Văn Chấm nuôi tôm thâm canh tại ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ cho thấy: Nước được lấy và ao đã được xử lý bằng ao lắng, bờ ao có rào bạt nhựa ngăn cua, còng xâm nhập, không có căn lưới chống chim hoang dã.
Nguồn giống thả 600.000 con/5.500 m2, có nguồn gốc từ Công ty Kim Sa, tỉnh Bạc Liêu, có giấy chứng nhận kiểm dịch số 16151 do Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cấp ngày 27/7. Ao diễn biến bệnh vào ngày thứ 55 sau khi thả nuôi, ngày 15.9 có dấu hiệu rớt đáy, đỏ thân, gan sưng, có chấm đen ở thân, ăn mạnh sau đó giảm ăn rồi chết. Chi cục Thú y TP.HCM đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệp, kết quả dương tính với virus Taura.
Tại Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện hội chứng Taura trên tôm – Ảnh minh hoạ: Thanh Cường
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đối chứng của Chi cục Thú y Vùng VI ngày 14/10 cũng cho kết quả giống như ở Bình Thuận, đều âm tính với virus Taura.
Trao đổi với NTNN, ông Phạm Khánh Ly – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) khẳng định, trong suốt 17 năm từ khi tôm thẻ chân trắng được đưa vào nuôi thử nghiệm sau đó cho nuôi trên diện rộng, ở nước chưa từng xuất hiện loại virus Taura.
“Ngay sau khi nhận được báo cáo của Bình Thuận và TP.HCM có kết quả dương tính với virus Taura, chúng tôi đã phối hợp với Cục Thú y tổ chức kiểm tra, kết quả xét nghiệm đối chứng của Vùng VI là đơn vị đã được trang bị kỹ thuật Realtime RT – PCR theo quy trình của Tổ chức Thú y Thế giới cho kết quả chuẩn xác là không hề có virus Taura”- ông Ly nói.
Theo ông Ly, các đơn vị đưa ra kết quả phát hiện virus Taura đều là các trạm kiểm dịch của địa phương, chưa đủ điều kiện kỹ thuật để xét nghiệm các loại dịch bệnh, đó là chưa nói tới trình độ của các bộ xét nghiệm có đảm bảo chuyên môn hay không.
Cũng theo ông Ly, đây là một loại virut đặc biệt nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ nhưng ở Việt Nam, trong suốt 17 năm qua chưa hề thấy có sự xuất hiện của loại virus này. “Nếu thực sự có loại virus này sẽ cực kỳ nguy hiểm vì nó gây ra “hội chứng” chứ không còn là dịch bệnh nữa, tức là mang tính hủy diệt”- ông Ly nhấn mạnh.
Chưa từng xuất hiện ở Việt Nam
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, do loại virus Taura chưa từng xuất hiện ở Việt Nam nên nhiều người không hiểu rõ về loại dịch bệnh này, thậm chí ngay cả một số cán bộ ở địa phương cũng không hiểu rõ những tác hại của loại dịch bệnh này nên khi là xét nghiệm nhầm lẫn đã “vô tư báo cáo”. Nguy hiểm hơn là thông tin về dịch bệnh đã được “lan truyền” gây hoang mang cho dư luận, dù chưa có kết quả đối chứng và công bố chính thức của các cơ quan chức năng về loại dịch bệnh này.
TS Nguyễn Công Dân – nguyên Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, virus gây hội chứng Taura được phát hiện vào năm 1992 ở Ecuador, bắt nguồn từ sông Taura nên sau đó người ta gọi luôn tên là hội chứng Taura. Loại bệnh này là một bệnh cực kỳ nguy hiểm ở tôm thẻ chân trắng, khiến cho ngành tôm thẻ chân trắng ở Ecuador đã phải phá sản và nhanh chóng lan truyền sang các nước châu Mỹ, châu Á gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam mặc dù thời gian đầu ngành thủy sản đã rất lo ngại dịch bệnh này nên đã “ngập ngừng” trước khi chính thức cho phép đưa tôm thẻ chân trắng vào Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa từng phát hiện loại virus này.
Cùng chung nhận định trên TS Đặng Thị Lụa – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực phía Bắc cho biết, hội chứng Taura thường gặp ở tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn nuôi từ 14-45 ngày tuổi, cỡ 0,05-7,0g. Đây là dịch bệnh rất nguy hiểm, thời gian ủ bệnh cao, lan truyền rất nhanh, có thể gây chết từ 40 – 95% ở tôm nuôi từ post, tôm giống, tôm giống lớn. Triệu chứng của bệnh phổ biến là cơ thể và các bộ phận khác có màu đỏ hoặc đen hồng, biếng ăn, hoặc rúc vào đìa nuôi.
“Hội chứng Taura được xếp vào 1 trong 3 loại dịch bệnh nguy hại nhất (ngoài bệnh đốm trắng và đốm vàng) trên tôm thẻ chân trắng. Hiện Việt Nam cũng đưa hội chứng Taura vào loại dịch bệnh phải khai báo theo quy định. Chúng tôi nghiên cứu rất nhiều dịch bệnh trên tôm nhưng chưa ghi nhận dịch bệnh Taura ở Việt Nam” – TS Lụa khẳng định.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, “UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận báo cáo cụ thể về vụ việc xét nghiệm nhầm kết quả virus Taura của Chi cục Thủy sản Bình Thuận và báo cáo UBND tỉnh tỉnh trước ngày 15.11 để có hình thức xử lý những sai phạm liên quan”.
>> Theo Tổng cục Thủy sản, hiện các đơn vị đang cùng phối hợp với ngành thú y để làm rõ sự việc nhầm lẫn kết quả xét nghiệm virus Taura ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Thuận để báo cáo lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT. |