Nuôi cá chình trong lồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi cá chình (Anguilla spp) trong lồng có nhiều thuận lợi nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, do vậy người nuôi cần phải chú ý từ khâu chọn giống.

Giống tự nhiên

Hiện, người nuôi chủ yếu nuôi các loại cá chình là cá chình bông (Anguilla marmorata) và cá chình Nhật Bản (Anguilla japonica), cá chình mun (Anguilla bicalor). Thức ăn của cá chình là cá tạp, một số động vật nhỏ dưới nước.

Cá chình bố mẹ vốn sống ở biển, đến mùa sinh sản cá ngược dòng di chuyển đến vùng nước ngọt để sinh sản. Quãng đường di cư có khi đến hàng ngàn kilomet. Khi bắt đầu di cư, cá béo khỏe nhưng qua quãng đường xa, bơi ngược dòng, đến vùng nước ngọt cá lại ngừng ăn nên gầy và yếu. Tìm được nơi đẻ trứng, con cái đào tổ và đẻ trứng, con đực tiết tinh trùng vào trứng trong tổ. Xong nhiệm vụ duy trì nòi giống, cá kiệt sức hoàn toàn và trôi theo dòng nước rồi chết. Khoảng 60 ngày sau trứng nở thành ấu trùng, cá chình con. Cá chình con sau khi sống ở vùng nước ngọt một thời gian sẽ trở ra biển, bắt đầu 1 cuộc sống mới.

Cá chình giống phần lớn khai thác từ tự nhiên – Ảnh: Trần Út

Dựa vào đặc điểm này, người dân thường khai thác cá chình giống ở các sông. Mùa khai thác cá giống thường từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch. Có thể khai thác cá chình giống bằng cách dùng đèn tập trung cá theo tập tính hướng quang rồi dùng vợt xúc; đặt lưới cố định ở nơi có cá giống phân bố để bắt; dùng lưới vây để bắt cá giống ở cửa sông, ven biển.

Cá chình giống được ương trong bể xi măng. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt khi ương là khá cao nên nguồn giống cho nuôi thương phẩm thường thiếu. Một số nơi nhập giống từ Trung Quốc về nuôi nên giống không đảm bảo, chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao.

 

Lưu ý về kỹ thuật nuôi

Phải chọn giống có chất lượng tốt, đảm bảo tại các cơ sở có uy tín. Đã có một số nơi sử dụng cá chình giống không rõ nguồn gốc, cá chậm lớn.

Cũng như nhiều loài thủy sản nuôi lồng khác, cá chình giống có kích cỡ to (thường 50 – 100 g/con).

Thức ăn cho cá nên chọn loại tươi. Bỏ thức ăn thừa, vệ sinh lồng và dụng cụ cho ăn thường xuyên. Kiểm tra cá, nguồn nước sông để có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Cá chình thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày thường rúc trong hang, đáy ao hồ, tối mới đi ăn mồi. Dựa vào đặc tính này, người nuôi cần thiết kế lồng cho phù hợp. Nhiều người nuôi cá chình ở sông Trà Khúc (Sơn Tịnh – Quảng Ngãi) sử dụng lồng bằng tre, đan kín, xung quanh lồng có rau muống, cỏ nước mọc vừa tạo bóng tối cần thiết, vừa che mát cho cá, gần giống môi trường tự nhiên nên cá phát triển rất tốt.

Ở một số dòng sông nước lên xuống theo triều cường, cá dễ bị bệnh, ảnh hưởng đến việc nuôi cá. Vì vậy, người nuôi cần phải tìm hiểu kỹ nguồn nước vùng thượng lưu, hạ lưu, chế độ dòng chảy để đặt lồng, tránh nuôi tự phát.

>> Trên thế giới hiện có 4 nước phát triển nghề nuôi cá chình mạnh nhất là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở Việt Nam, cá chình chủ yếu được nuôi tại ĐBSCL.

Trọng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!