THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

T2, 06/07/2020 09:50

Bất ổn vì giá tôm nguyên liệu quá cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long cao chót vót, nông dân có tôm thu hoạch thời điểm này được ví như người “trúng số”. Đây là tin vui cho người nuôi tôm, nhưng nhiều chuyên gia ngành thủy sản lại tỏ ra lo ngại và cho rằng có nhiều bất ổn.

Giá tôm lập “đỉnh” mới

Mấy tháng nay, giá các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng có xu hướng ngày càng tăng cao để lập nên các “đỉnh” giá mới. Theo bà Trần Thị Hà – chủ cơ sở thu mua tôm Hải Hà (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang), hiện tôm sú loại 20 con/kg giá 280.000-290.000 đồng/kg, loại 30 con/kg là 220.000-230.000 đồng/kg, 40 con/kg giá 200.000-210.000 đồng/kg và giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg là 90.000-95.000 đồng/kg.

Theo một cán bộ ngành nông nghiệp, đây là mức giá tôm cao chưa từng có. Nguyên nhân là do các hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đồng loạt ngắt vụ cải tạo ao đầm sau vụ tôm 2010, nên đến nay các ao nuôi tôm sú chưa đến thời điểm thu hoạch rộ. Một nguyên nhân quan trọng khác là hiện tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ở ĐBSCL diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng khiến tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngày càng trầm trọng hơn. Riêng Tiền Giang, các hộ nuôi tôm bắt đầu thả giống từ ngày 15/2/2011, do đó đến nay, đa số tôm nuôi có độ tuổi từ 1-3 tháng (vụ nuôi tôm sú khoảng 4 tháng, tôm thẻ từ 2,5-3 tháng).

 Không chỉ các thương lái lùng sục các đầm tôm, nhiều công ty chế biến cũng phải cho nhân viên xuống tận vùng nuôi để thương lượng giá với nông dân. Ông Ngô Thiện Tâm – Trưởng trạm Thủy sản số 3 (Tân Phú Đông, Tiền Giang) cho biết: “Mấy ngày qua, nhiều công ty cử người xuống trực tiếp vùng nuôi tôm để thu mua và liên tục đẩy mức giá lên cao để thu gom đủ số lượng, khiến một số thương lái “nổi tiếng” ở vùng này cũng phải chào thua vì không thể mua tôm giá cao hơn”.

Giá tôm nguyên liệu tăng quá cao chưa phải là điều tốt

Chưa thật sự là tin vui

Trong bối cảnh các yếu tố đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi liên tục “leo thang”, giá tôm tăng cao như hiện nay có thể nói là tin vui đối với bà con nông dân. Ông Nguyễn Văn Hai – xã Phú Tân (Tân Phú Đông, Tiền Giang) phấn khởi cho biết: “Tôi vừa thu hoạch ao tôm 6.000m2 với hơn 3 tấn tôm sú, loại 30 con/kg. Sau khi trừ chi phí, còn lãi gần 400 triệu đồng. Đây là mức lãi “khủng” nhất từ trước đến nay”.

Tuy nhiên đây chưa hẳn là tin vui, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 1.239 ha thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, trong đó thiệt hại là 251 ha (chiếm 20,29%), thu hoạch là 122 ha với sản lượng 979 tấn (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng); diện tích thả nuôi tôm quảng canh là 1.686 ha, trong đó thiệt hại là 310,5 ha (chiếm 18,4%), thu hoạch 696 ha với sản lượng 210 tấn. Thiệt hại do dịch bệnh còn còn nặng nề hơn tại các tỉnh được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm như: Sóc Trăng có 13.000 ha tôm sú chết (chiếm hơn 50% diện tích thả nuôi), Bạc Liêu có 3.495 ha tôm chết (chiếm hơn 30%).

Đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tình hình lại càng bi đát hơn. Theo ông Chu Văn An – Phó tổng giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, mặc dù năm 2011, giá tôm xuất khẩu ở hầu hết các thị trường điều tăng trên 10%, nhưng chi phí đầu vào lại tăng vùn vụt từ 30-40%, khiến doanh nghiệp xuất khẩu không có lời, thậm chí lỗ.

Cụ thể, theo thống kê của nhiều doanh nghiệp, so với thời điểm đầu năm 2011, giá tôm nguyên liệu tăng từ 30-50% (tôm thẻ chân trắng từ 55.000-60.000 đồng/kg, tăng lên 85.000-93.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg từ 160.000-175.000 đồng/kg, tăng lên 210.000-225.000 đồng/kg), giá thức ăn cho tôm, giá điện tăng lên 18%; giá xăng, dầu tăng gần 20%, lãi suất ngân hàng tăng 22-23%, lương lao động tăng từ 15-20%…

Để giải quyết những bất ổn này, Nhà nước cần có những chính sách giải quyết hài hoà mối quan hệ từ khâu sản xuất vật tư nuôi trồng thủy sản, con giống cho đến người nuôi tôm, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, phải dùng biện pháp quy hoạch như một công cụ đắc lực hỗ trợ cho việc bình ổn sản lượng nguyên liệu, dẫn đến ổn định giá cả. Tránh trường hợp thấy giá cao thì nuôi tôm ào ạt, khi giá thấp thì bỏ ao gây ra biến động nguồn nguyên liệu như hiện nay, từ đó tạo ra thế sản xuất ổn định và bền vững cho toàn ngành.

“Bắt bệnh” giá tôm nguyên liệu cao

Theo các chuyên gia ngành thủy sản, khi xét trên phương diện chung của ngành thì giá tôm nguyên liệu cao lại chứa đựng nhiều điều chưa bền vững. Bởi hiện nay tôm có giá cao, người nuôi tôm lãi lớn nên nông dân ào ạt thả giống tôm để kịp giá mà không quan tâm nhiều đến yếu tố kỹ thuật, chất lượng con giống. Mặt khác, nhu cầu tôm giống tăng cao và đồng loạt khiến cho cung không đáp ứng cầu, con giống khan hiếm, thị trường con giống khó kiểm soát, chất lượng không đảm bảo. Để có tôm giống phục vụ nhu cầu thả nuôi, người nuôi tôm phải chấp nhận mua tôm giống trôi nổi, không qua kiểm dịch, kiểm tra chất lượng khiến dịch bệnh tăng cao.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân ham lợi trước mắt nên sẵn sàng nuôi tôm trái vụ bất chấp chỉ thị ngắt vụ, lịch thời vụ của Nhà nước. Họ cũng không tuân thủ khuyến cáo kỹ thuật của ngành nông nghiệp là chỉ nên thả nuôi một vụ tôm sú và hai vụ tôm thẻ mỗi năm. Điều này đã làm cho môi trường ngày càng xấu đi, mầm bệnh ngày càng nhiều dẫn đến rủi ro trong nuôi tôm ngày càng cao.

THÀNH CÔNG

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!