Môi trường ô nhiễm khiến dịch bệnh trên tôm nuôi hoành hành khắp nơi. Mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng của hệ thống nuôi tôm ở một số địa phương giúp cải thiện tốt môi trường nuôi, giảm dịch bệnh.
Thực trạng
Hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nuôi tôm chưa đồng bộ. Đặc biệt, khi hệ thống thủy lợi vừa giữ vai trò cấp nước vừa giữ vai trò thoát nước như hiện nay thì xu hướng nuôi tôm an toàn sinh học là hướng phát triển trước mắt đối với nhiều vùng nuôi tôm. Môi trường ao nuôi ổn định, hạn chế được dịch bệnh, năng suất tôm cao hơn, giảm sự phát triển Vibrio trong nước. Nhiều địa phương đã kết hợp nuôi cá rô phi trong ao nuôi tôm sú, TTCT. Áp dụng nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm, nuôi trong đăng quầng, ao lắng và lấy nước vào ao nuôi tôm đã khẳng định hiệu quả rõ rệt, cải thiện môi trường ao nuôi, giảm dịch bệnh. Phương thức nuôi ghép dễ áp dụng nhưng còn nhiều tranh cãi về sự hao hụt thức ăn của tôm, do cá rô phi tiêu thụ lượng lớn thức ăn. Hơn nữa, cá rô phi sức sinh sản lớn, đẻ sớm; nếu chọn dòng rô phi không tốt thì khó kiểm soát mật độ trong ao nuôi. Nhiều mô hình nuôi ghép tôm – cá rô phi được hạch toán chi phí thức ăn lớn mà tôm phát triển chậm. Để hạn chế hiện tượng này, có thể nuôi cá rô phi trong ao lắng của hệ thống nuôi tôm. Ngoài rô phi, có thể nuôi cá kèo, cá chẽm; nhưng chi phí nuôi các loại cá này cao nên đến nay vẫn còn hạn chế.
Hiệu quả lọc nước của rô phi
Cá rô phi dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là thực vật; có khả năng kiểm soát các loại tảo sợi, tạo môi trường nuôi ổn định. Loài cá này có thể sống ở cả môi trường nước ngọt, lợ, mặn. Cá rô phi có khả năng lọc tảo hiệu quả. Cá rô phi ăn tạp, thức ăn trong nước gồm các tảo đơn bào, tảo sợi, rong cỏ, động vật nhỏ, mùn bã hữu cơ. Cách thức ăn lọc của cá rô phi khác so với các loài cá ăn lọc khác. Mang cá rô phi tiết ra nhiều chất nhầy để bắt các hạt lơ lửng tạo thành các cục nhầy dính đầy tảo, động vật phù du, vật chất hữu cơ và được cá nuốt vào thực quản. Cơ chế này giúp nó bắt được tế bào nhỏ đến 5 µm. Các nhà khoa học nhận định cá rô phi là máy lọc nước sinh học cho ao nuôi tôm, hay còn gọi là biện pháp nuôi tôm nước xanh. Nuôi cá rô phi trong ao lắng, không chỉ tạo ra nguồn nước an toàn mà người nuôi còn tiết kiệm được chi phí lọc nước cho ao nuôi tôm.
Cá rô phi giúp cải thiện môi trường ao nuôi – Ảnh: Máy Cày
Rô phi ngăn cản sự phát triển mầm bệnh tôm
Nuôi cá rô phi trong ao lắng là một phương pháp vệ sinh nước trước khi nuôi tôm, giảm bớt tối đa sự phát sinh mầm bệnh xảy ra trong ao tôm. Theo thống kê thì ao nuôi cá rô phi có màu nước tốt, ít tảo tàn, môi trường ổn định. Cá rô phi có khả năng làm xanh nước, giảm sự phát triển vi sinh vật. Nhiều nhà khoa học cho rằng lấy nước nuôi cá rô phi phục vụ nuôi tôm có lợi ích khá lớn, vì nguồn nước này chứa vi khuẩn có lợi. Hơn nữa, cá rô phi còn sử dụng xác tôm, cá, động vật thủy sản chết, từ nguồn nước lấy vào hệ thống ao lắng, nhằm hạn chế sự phát tán của sinh vật gây bệnh từ ngoài vào hệ thống nuôi. Như vậy, nuôi cá rô phi trong ao lắng để có nguồn nước chất lượng tốt, dùng trong ao nuôi tôm hạn chế tối đa sự phát triển mầm bệnh.
Nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) đã xác định cá rô phi giúp thiết lập hệ sinh thái vi sinh trong nước với các quần thể tảo và vi khuẩn cân bằng. Trong một hệ sinh thái vi sinh cân bằng như vậy, vi khuẩn gây bệnh ít có cơ hội phát triển đến đủ mật độ có thể gây bệnh cho tôm. Vì vậy, nuôi cá rô phi trong ao lắng trước khi bơm vào ao nuôi có thể đem lại tác dụng phòng bệnh tích cực, giúp khống chế bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Quy trình nuôi
Ao lắng nuôi cá rô phi có diện tích 20 – 25% diện tích mặt nước nuôi để dự trữ. Ao nuôi tôm có diện tích 60 – 70% diện tích, còn lại là ao chứa nước thải. Thiết kế ao theo kiểu tuần hoàn. Nước ao nuôi sau khi thay được chảy sang ao nước thải; ở đây nước được lắng cặn một phần, sau đó được bơm sang ao lắng. Ở ao lắng cá rô phi hoạt hóa để có chất lượng tốt cung cấp lại cho ao nuôi. Trước khi nuôi, cần tiến hành các bước cải tạo và chuẩn bị ao theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Khi chuẩn bị ao nuôi cần đầm, nén kỹ hoặc lót bạt để chống rò rỉ nước.
Mật độ cá rô phi ít nhất 4 – 5 con/m2, không cho cá ăn trong suốt quá trình nuôi. Cá rô phi được nuôi trong ao lắng ít nhất một tháng trước khi thả tôm giống để ổn định môi trường nước. Cấp nước từ ao lắng vào cung cấp cho hệ thống nuôi tôm đến khi mực nước đạt 1,2 – 1,5 m. Khi cấp nước vào ao nuôi, dùng lưới chắn cá có kích thước mắt lưới 2a = 5mm. Trong quá trình nuôi, định kỳ bổ sung nguồn nước từ ao lắng vào ao nuôi một tuần một lần. Sau khi cấp nước từ ao lắng vào hệ thống nuôi, cần bổ sung nước vào hệ thống ao lắng, để có thời gian cá rô phi hoạt hóa, để có nước đảm bảo chất lượng cung cấp cho ao nuôi tôm.
Trong quá trình nuôi, cần áp dụng các biện pháp chăm sóc và quản lý dịch bệnh cho tôm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
>> Các mô hình nuôi ghép tôm – cá rô phi chỉ có tác dụng ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh trong ao nuôi, còn khả năng trị bệnh đốm trắng hay hội chứng EMS cho ao tôm là hạn chế. |