Giảm hao hụt khi ương cá tra giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỷ lệ hao hụt lớn khi ương cá tra, basa giống ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung giống cho thị trường và hiệu quả nghề nuôi cá. Vì vậy, người nuôi cá cần tuân thủ kỹ thuật khi ương từ cá bột lên cá hương, cá giống.

Nguyên nhân hao hụt

Theo một số người chuyên ương nuôi cá tra, basa giống thì ương nuôi từ cá bột lên cá giống bị hao hụt do:

– Mua cá bột từ các trại sản xuất có cá bố mẹ chất lượng thấp (tham gia sinh sản quá nhiều đợt, cá có hiện tượng thoái hóa, nuôi vỗ kém,..) nên chất lượng cá bột yếu.

– Mua cá bột từ trại sản xuất giống mà nguồn gốc cá bố mẹ tham gia sinh sản không được chọn lọc kỹ, không đúng theo tiêu chuẩn ngành.

– Trong quá trình ương nuôi, người nuôi lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho cá làm giảm sức đề kháng của cá, cá còi cọc, chậm lớn, chết nhiều,…

Bên cạnh đó: Vận chuyển cá bột không đúng kỹ thuật, mật độ dày; Vận chuyển cá trong thời gian cá đang bị nhiễm bệnh hoặc đang trị bệnh chưa khỏi hẳn; Trong quá trình vận chuyển làm cá bị xây xát, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công.

Việc chuẩn bị ao trước khi ương giống, cũng như thao tác thả cá không đạt yêu cầu, mật độ thả cá trong ao quá dày cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá khi ương.

Ương nuôi cá bột lên cá giống đòi hỏi người nuôi cần nắm chắc kỹ thuật – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Cách khắc phục

Để nâng cao tỷ lệ sống khi ương giống cá tra, ba sa, người nuôi cá cần lưu ý:

Cải tạo ao: Tát cạn vét bùn đáy ao, lấp hang cua, ếch, chuột, lươn… Đắp lại những chỗ sạt lở, sửa lại cống bọng, dọn cỏ quanh bờ ao, để tránh địch hại trong giai đoạn đầu thả cá bột.

Lượng vôi sử dụng để rải 10 – 15 kg/100m2 ao. Sau khi rải vôi, ao phải được lắng 2 – 3 ngày.

Cấp nước và gây màu: Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc thật mịn để tránh trứng, cá tạp, giáp xác,… Nếu có điều kiện cần phải lắng qua ao trữ 5 – 7 ngày, sau đó mới cấp vào ao.

Sau khi cấp nước phải gây màu nước để tạo thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu cho cá bột.

Cụ thể: Ao có diện tích 1.000 m2: bón vào 2 kg bột cá mịn 40% đạm + 2 kg bột đậu nành để cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá. Trước khi thả cá cần kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước ao ương, sao cho đảm bảo pH 7 – 8; nhiệt độ 28 – 300C; ôxy > 3mg/l.

Mật độ thả giống: Mật độ 500 con/m2; Thời gian thả cá bột vào ao nuôi tốt nhất là sáng sớm và chiều mát.

 

Chăm sóc và cho ăn

7 ngày đầu

Số lượng cho cá ăn (1 triệu con cá bột) trong một lần gồm:

– Bột đậu nành 300 g.

– Bột sữa 300 g.

– Cho cá ăn 5 lần/ngày, vào lúc 7h, 10h, 14h, 17h, 20h.

– Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên vào nước rồi tạt đều khắp mặt ao.

7 ngày tiếp theo

– Cho cá ăn 5 lần/ngày vào lúc 7h, 10h, 14h, 17h, 20h. Thức ăn sử dụng là bột thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 40% trở lên.

Liều lượng 0,5kg/lần ăn (x 5 lần/ngày = 2,5 kg/1 triệu con cá bột/ngày).

– Mỗi ngày tăng lượng thức ăn thêm 20%. (Tuỳ mức độ ăn của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp).

– Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên với nước rồi tạt đều khắp ao ương.

Ngày thứ 15 đến 20

– Sử dụng thức ăn công nghiệp, có hàm lượng đạm 35 – 40%.

– Cho ăn 4 lần/ngày (8 h, 13 h, 14 h, 17 h).

– Tập cho cá gom cầu và định lượng lại thức ăn cho hợp lý.

Ngày thứ 21 trở đi

– Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng đạm 30 – 35% và có kích cỡ vừa miệng cá.

– Số lần cho ăn 3 lần/ngày, cho cá ăn phải đủ lượng và chất.

– Cuối tuần thứ tư, bắt đầu lọc cá để san thưa, giữ mật độ 150 – 200 con/m2.

Bên cạnh đó, cần tăng cường Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá, định kỳ dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.

 

Phòng và trị bệnh

Bổ sung Vitamin C với liều lượng 0,5 – 1 g/1 kg thức ăn; 2 lần/tuần, để tăng sức đề kháng cho cá; Trộn thêm men vi sinh để giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn và phòng một số bệnh về hệ tiêu hóa; Sử dụng kháng sinh phòng bệnh phải tuân thủ quy định của cơ quan chức năng về thuốc thú y thủy sản.

Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường ao ương: pH, nhiệt độ, dịch bệnh (bệnh do môi trường, ký sinh trùng,…) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trọng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!