Nhờ thành công của công nghệ gia hóa tạo được số lượng lớn tôm bố mẹ không nhiễm một số bệnh nguy hiểm (SPF), được chọn giống và cung cấp cho sản xuất ở quy mô thương mại mà tôm thẻ chân trắng (TTCT) Nam Mỹ đã được du nhập vào các nước châu Á một cách mạnh mẽ để thay thế tôm sú.
Gần đây, TTCT đã được nuôi ở hầu hết các tỉnh của Việt Nam. Tuy nhiên toàn bộ tôm bố mẹ TTCT cung cấp cho các trại sản xuất tôm giống đều phải nhập từ nước ngoài với số lượng khoảng 200.000 cặp tôm bố mẹ TTCT (như Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan…). Theo đó, giá thành sản xuất tôm giống đắt, không chủ động về thời gian sản xuất, không kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ, một số trại đã tự nuôi dưỡng tôm thịt thành tôm bố mẹ để sản xuất giống do đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng tôm giống sản xuất cung cấp cho người nuôi, thiệt hại cho sản xuất.
Tôm bố mẹ quyết định chất lượng tôm giống – Ảnh: Phan Thanh Cường
TTCT được xác định là một trong hai đối tượng tôm nuôi nước lợ chủ lực của Việt Nam, nhu cầu giống TTCT ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, do vậy việc chủ động phát triển đàn tôm bố mẹ TTCT chất lượng cao tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Dựa trên tiềm năng và nhu cầu con giống chất lượng tốt, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã được Bộ NN&PTNT giao thực hiện đề tài “Ứng dụng di truyền số lượng và di truyền phân tử để tạo vật liệu ban đầu cho chọn giống TTCT theo tính trạng tăng trưởng”, thời gian 2012 – 2014. Hiện, đề tài đã hình thành được nguồn vật liệu ban đầu (G0) từ 5 quần đàn tôm nhập nội và bắt đầu chọn giống thế hệ thứ nhất (G1) theo tính trạng tăng trưởng. Đàn tôm chọn giống đảm bảo sạch bệnh. Để có được đàn TTCT đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất thì cần tiếp tục chọn giống các thế hệ kế tiếp (G2 – G4) nhằm duy trì ổn định di truyền và đạt hiệu quả chọn lọc cao hơn. Cùng đó, việc ứng dụng lý thuyết di truyền số lượng và kỹ thuật di truyền phân tử hiện đại cũng như sử dụng phần mềm phân tích chuyên dụng trong chương trình chọn giống là rất quan trọng nhằm đạt được hiệu quả chọn giống cao.
Mặt khác, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cũng đang thực hiện dự án giống thuộc chương trình giống 2194, dự án đã tập hợp được 9 quần đàn tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF) từ các nguồn tôm khác nhau, đang lai tạo để tạo vật liệu phục vụ công tác chọn giống.
Chủ động sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống sạch bệnh đã đem lại lợi ích lớn cho ngành thủy sản nhiều quốc gia. Trung Quốc, Thái Lan, Singapore hay bất cứ một quốc gia châu Á nào muốn phát triển nuôi TTCT đều phải bắt đầu từ việc nhập tôm bố mẹ sạch bệnh. Tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF) nhập về sẽ được cho đẻ, ương nuôi ấu trùng trong điều kiện loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây bệnh. Tiếp theo là quá trình nuôi thương phẩm để tạo ra đàn bố mẹ sạch bệnh, thông qua một loạt các biện pháp chọn lọc di truyền nhằm cải thiện chất lượng con giống. Sau khi có tôm giống sạch bệnh (SPF) là việc nuôi tôm đến cỡ thương phẩm. Để tiến hành nuôi tôm bố mẹ an toàn sinh học thế hệ tiếp theo cần nghiên cứu lựa chọn đàn tôm có tốc độ sinh trưởng nhanh, sạch bệnh và tỷ lệ sống cao.