Chuyển động bốn trụ cột

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2014 kết thúc với nhiều chuyển động mạnh mẽ của bốn trụ cột ngành thủy sản (khai thác biển, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu) để hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản phẩm toàn cầu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam đã đứng thứ 3 thế giới về nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, sản phẩm được xuất khẩu đến 165 thị trường, kim ngạch khoảng 7,9 tỷ USD. Thủy sản là ngành có giá trị gia tăng và giải quyết việc làm dẫn đầu so các ngành khác.

 

Đánh bắt kiểu Nhật

Sôi động nhất trong khai thác biển năm 2014 là dự án thí điểm câu cá ngừ đại dương kiểu Nhật ở tỉnh Bình Định. 5 tàu của ngư dân giỏi được chọn tham gia, đầu tháng 8 cập bến với 37 con cá ngừ. Các chuyên gia Nhật Bản chọn được 9 con, tổng khối lượng 448 kg, đạt tiêu chuẩn đưa ngay sang Nhật. Thế nhưng khi tham gia đấu giá, con chất lượng khá nhất được bán với giá 420.000 đồng/kg; bình quân 240.000 đồng/kg, chuyến xuất khẩu bị lỗ.

Dự án thí điểm nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Chủ tịch nước đã cử ông Bùi Trường Giang, Vụ trưởng Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước, đến nắm tình hình. Qua Dự án, những lạc hậu của nghề câu cá ngừ đại dương bộc lộ rõ. Từ cách câu của ngư dân, bắt con cá câu được, ướp lạnh bảo quản, vận chuyển vào bờ cho đến thiết bị câu, đá ướp lạnh, hầm lạnh và cả thiết kế con tàu đều cần phải thay đổi. Những con cá trong chuyến đầu sang Nhật, chất lượng kém vì thịt bị cháy và nhão do kỹ thuật đánh bắt và bảo quản, ngư dân làm chưa đạt yêu cầu.

Cá ngừ bán vào Nhật, để đạt tiêu chuẩn làm sushi và sashimi, phải tươi. Theo đó, rất cần quy trình kỹ thuật chặt chẽ, đồng bộ, nói gọn là “sạch – nhanh – lạnh”. Đá làm lạnh cá cũng phải đạt chuẩn, cá lên tàu trên biển không được quá 9 ngày, thêm thời gian sang Nhật không quá 2 ngày. Nếu đạt, giá bán gấp hàng chục lần so với cung cách khai thác lạc hậu để bán ở chợ quê.

Theo Tổng cục Thủy sản, nước ta có khoảng 3.600 tàu câu cá ngừ đại dương, sản lượng khoảng 16.000 tấn/năm. Khai thác lạc hậu, chỉ khoảng 1% sản lượng đạt chuẩn xuất khẩu, còn theo “kiểu Nhật” có thể nâng lên 30%. Giá trị tăng rất lớn.

Ngư dân khai thác cá ngừ – Ảnh: Xuân Trường

 

Giống cá, tôm

Trong nuôi trồng thủy sản, giống có vai trò quyết định hiệu quả kinh tế. Những năm qua, tất cả các loài thủy sản được nuôi ở nước ta, mỗi khi có dịch bệnh hoặc tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi quá cao, đều có nguyên nhân từ giống. Mà sản xuất giống, nguồn giống bố mẹ có vai trò quyết định.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn nói: “Chủ động được nguồn giống bố mẹ thì sẽ giảm 30% chi phí sản xuất giống. Còn lệ thuộc nhập khẩu, không chỉ giống đắt mà nguồn cung cũng hạn chế, nhiều khi không đáp ứng đủ nhu cầu, chất lượng chưa chắc đảm bảo”. Do đó, chủ động được giống sẽ chủ động được quá trình nuôi, đảm bảo chất lượng thủy sản để có sản phẩm thương phẩm chất lượng cao.

Cá tra sau thời gian phát triển tự phát làm cho giống bị thoái hóa, đã kịp thời được chấn chỉnh bằng việc đưa ra hơn 100.000 con cá bố mẹ từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II. Năm 2014, các địa phương tiếp tục đăng ký số lượng cá hậu bị để thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2015, thay thế xong toàn bộ đàn cá tra bố mẹ không đảm bảo chất lượng. Quy trình quản lý cá tra bố mẹ chọn giống cũng đã được triển khai đến các cơ sở sản xuất giống. Còn tôm thẻ chân trắng (TTCT), Việt Nam đang phải nhập 100% tôm bố mẹ để sản xuất giống. Với một chương trình triển khai từ năm 2013 của Bộ NN&PTNT, có khả năng năm 2016, giống TTCT sản xuất từ dòng tôm bố mẹ mang thương hiệu Việt Nam sẽ được đưa ra thị trường.

Những ngày cuối năm 2014, Tổng cục Thủy sản tổ chức ở Cần Thơ hội thảo bàn giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ cá rô phi và tôm càng xanh, vấn đề giống được bàn thảo sôi nổi. Đặc biệt về cá rô phi, loài cá nuôi phổ biến thứ hai trên thế giới mà nước ta có tiềm năng lớn nhưng cũng đang gặp trở ngại về giống. Cá rô phi nuôi kết hợp với tôm còn giúp khống chế dịch bệnh, để cả cá và tôm phát triển bền vững.

Lo toan giống thủy sản năm 2014, quan trọng nhất là sự thay đổi nhận thức ở các cấp quản lý, để có giống tốt cần đầu tư nghiên cứu lâu dài, không thể xổi thì. Ở lĩnh vực này cũng phải thu hút đầu tư tư nhân. Một số dự án về giống thủy sản được lập ra nhưng kéo dài, đã có doanh nghiệp xin làm thay.

 

Chế biến sâu

Cũng cuối năm 2014, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cùng Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức hội thảo “Công nghệ chế biến thực phẩm gia tăng giá trị cho ngành cá tra Việt Nam”. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng cho biết: “Với các dòng sản phẩm xuất khẩu thô thì thiết bị chế biến ở nước ta là hiện đại; nhưng chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao thì cần phải đổi mới”.

Cá tra xuất khẩu của nước ta có đến 99% là fillet đông lạnh hoặc nguyên con, còn lại là hàng giá trị gia tăng nhưng hình thức chế biến chưa sâu. Hội thảo đã giới thiệu dự án SUPA “Thiết lập một dây chuyền cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam”, thực hiện đến năm 2018, kinh phí hơn 2,3 triệu euro (EU viện trợ 80%). Theo đó, Công ty Nienstedt (CHLB Đức) sẽ cung ứng cho ngành cá tra Việt Nam dây chuyền chế biến hiện đại gồm thiết bị cắt xẻ, tạo hình, tạo cỡ. Công nghệ chế biến của Nienstedt còn hướng đến thiết bị tự động tháo vỏ bao các khối cá cấp đông, đưa sản phẩm ra băng tải, hoàn chỉnh khối cá. Công suất các thiết bị có thể đạt 4,5 tấn sản phẩm/giờ, phù hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ý nghĩa của việc tiếp cận dây chuyền chế biến này còn ở chỗ, như ông Võ Hùng Dũng nói: “Dây chuyền chế biến theo công nghệ châu Âu, làm ra bởi những doanh nghiệp đã nghiên cứu hành vi khách hàng tại châu Âu. Điều này giúp giảm bớt chi phí tiếp cận thông tin thị trường cho doanh nghiệp nước ta”. Phó Tổng giám đốc Công ty Nienstedt, ông Jorg Rosenberger, chia sẻ thêm: Người tiêu dùng châu Âu đang chuyển sang tiêu thụ sản phẩm chế biến sẵn, sử dụng được ngay.

Cũng bởi vậy, lãnh đạo Công ty Sản xuất Kinh doanh thực phẩm Hokugan ở TP Naha (Nhật Bản) đến tỉnh Bình Định khảo sát địa điểm xây dựng một nhà máy chế biến thủy sản quy mô lớn, được quan tâm. Giám đốc điều hành Công ty Hokugan, ông Manabu Kawahire, nói rõ: Xây dựng nhà máy trên cơ sở điều tra nguồn nguyên liệu cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa và chất lượng cá đánh bắt tại Bình Định để xác định hình thức chế biến. Hơn ai hết, Hokugan sẽ chế biến được sản phẩm cá ngừ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Nhật Bản, không thua doanh nghiệp nào ở nước ta. Thế nên cũng dễ hiểu, trong mối quan tâm phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc nói: “Bình Định tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ Công ty Hokugan đầu tư xây dựng nhà máy thành công”.

 

Không “gánh vàng ra biển đổ”

Tại buổi hội thảo ở Cần Thơ đầu tháng 12, về cá rô phi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Lê Văn Quang, mong phát triển cá rô phi sẽ không lặp lại “vết chân” của cá tra… Ông Quang kể lại cuộc trao đổi giữa ông với bạn hàng thân thiết nước ngoài. Bạn hàng bảo, được chào giá 3,5 USD/kg và ký hợp đồng xong thì mấy bữa sau giá còn 3 USD/kg. Do doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh phá giá nhau, mua cá tra Việt Nam giá nào cũng lỗ. Lại còn tình trạng “ăn mảnh” của người đại diện doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng, giá 3 USD/kg nhưng phải trả thêm cho người ký 0,5 USD. “Cá tra chất lượng rất ngon, bán giá 10 USD/kg cũng rẻ, nhưng tranh nhau bán 3 USD/kg rồi gian lận chất lượng, cứ “gánh vàng ra biển đổ” và con cá tra thì chết” – Ông Quang nhắc lại lời bạn hàng nước ngoài.

Điển hình cho yếu kém trong tiêu thụ cá tra là việc xuất khẩu vào Nga. Ngày 16/3/2009, Bộ NN&PTNT thành lập Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản sang Nga, để tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Nga, nhằm đảm bảo chất lượng, giá, tăng kim ngạch và xây dựng thương hiệu. Thế nhưng đầu năm 2014 cá tra lại bị cấm vào Nga, do chất lượng kém, vì sự câu kết thao túng giá, nên Cơ quan Chống độc quyền Nga đã khởi tố vụ án và thành lập Hội đồng xét vụ vi phạm luật chống độc quyền. Chỉ nhờ những thay đổi khách quan và ngày 15/7/2014, Bộ NN&PTNT ra quyết định giải thể Ban Điều hành thì vụ án được bỏ lửng. Đầu tháng 8/2014, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra được phép trở lại thị trường Nga.

Vì thế, sôi động nhất ngành thủy sản năm 2014 là sự ra đời Nghị định 36 (có hiệu lực từ ngày 20/6); sau đó, hàng loạt biện pháp đã được triển khai, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng cá tra. Bên cạnh việc chấn chỉnh lại nuôi trồng, các cơ quan quản lý đặt hạn ngày 31/12/2014, cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu phải chấm dứt tình trạng “cục nước đá”. Tổng cục Thủy sản lần đầu tiên nghiên cứu đề án xúc tiến thương mại sản phẩm cá tra, nêu một chương trình khá toàn diện từ năm 2015 đến 2020, với các mục tiêu cụ thể. Qua đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam, nâng cao thu nhậpcho người nuôi và doanh nghiệp.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Thủy sản được xác định là trụ cột chính của ngành nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng vượt trộ; Vì có tới 2 mặt hàng (tôm, cá tra) lọt top 10 nhóm hàng có trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn phải đối diện nhiều thách thức để hướng tới gia tăng giá trị, tạo thêm nhiều lợi nhuận cho người dân.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!