Việt Nam ngày càng tiến mạnh hơn vào nền kinh tế thị trường toàn cầu. Đâu là cội rễ thành công trong kinh doanh? Thượng tọa Thích Chân Quang, người dày công thực hiện nhiều bài giảng về đạo đức trong kinh doanh thẳng thắn trao đổi với phóng viên Thủy sản Việt Nam xung quanh vấn đề hấp dẫn này.
Triết lý vị tha trong kinh doanh
Nhiều người cho rằng thước đo sự thành công trong kinh doanh chính là lợi nhuận, điều này thực sự đúng hay không, thưa Thượng tọa?
Thông thường, khi kinh doanh người ta nghĩ tới hiệu quả là lợi nhuận. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì sẽ dẫn đến một số điều xấu. Thứ nhất là để thu được lợi nhiều, người ta sẽ tìm cách lợi dụng đồng lương và công sức của những người công nhân. Thứ hai là việc cạnh tranh khốc liệt với những người kinh doanh cùng ngành nghề như mình sẽ dẫn đến sự rối loạn trong điều hành nền kinh tế, ảnh hưởng chung đến tiềm lực của quốc gia. Khi có lợi nhuận rồi nếu không biết sử dụng đồng tiền một cách sáng suốt thì rất dễ phát sinh lối sống hưởng thụ cá nhân một cách tiêu cực, điều này sẽ tác động xấu không chỉ đến cá nhân một người mà còn đến gia đình họ và cả xã hội.
Thưa Thượng tọa, vậy mục đích cao đẹp của kinh doanh là gì?
Nếu ta kinh doanh với mục đích vị tha thì ý nghĩa của việc kinh doanh sẽ khác đi. Ta chỉ cố gắng duy trì lợi nhuận ở mức để công ty luôn tồn tại vững chắc, chứ lợi nhuận không phải là mục tiêu của kinh doanh. Những đồng lãi không còn là mục tiêu tối hậu, chúng sẽ là phương tiện để ta đạt đến những mục đích khác. Những mục đích này là gì? Thứ nhất là công ăn việc làm. Công ty của ta sẽ là nơi để tạo việc làm cho một số người nào đó. Kẻ ít thì tạo được vài chục việc làm, người nhiều hơn thì tạo được hàng trăm việc làm. Có việc làm, cuộc sống người lao động sẽ ổn định, đóng góp vào sự ổn định xã hội. Mỗi tháng ta cho mỗi người một ít tiền thì không bằng ta tạo cho họ những việc làm đều đặn hàng tháng. Thứ hai, mảng kinh doanh của chúng ta, nếu khéo lựa chọn, sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội, cho sự tăng trưởng của đất nước. Nộp nhiều thuế thì đó là đóng góp trực tiếp vào ngân sách quốc gia, nếu không thì cũng là đóng góp một mảng nào đó như sản xuất, dịch vụ…; tức là đóng góp vào sự phát triển phong phú của xã hội. Kinh doanh do đó là một việc tạo phúc. Thứ ba, rất quan trọng, đó là trong quá trình kinh doanh, chúng ta có cơ hội kích thích được sự sáng tạo của xã hội. Do bắt buộc ít nhiều phải cạnh tranh về sản phẩm, giá cả, nếu doanh nghiệp nào tự mãn, bằng lòng với những gì đã đạt được thì các đối thủ sẽ vượt qua một cách nhanh chóng, do đó cần phải không ngừng tìm tòi, đổi mới, phải sáng tạo để sản phẩm làm ra ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của xã hội. Kích thích sáng tạo chính là mở đường cho tài năng xuất hiện và thúc đẩy sự đi lên của toàn xã hội.
>> Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, khi nhìn vào thực tế xã hội thì doanh nhân có thể được hiểu là người có vốn liếng, tạo ra được doanh nghiệp thu hút nhiều người tham gia cùng lao động và là người có tính tri thức. Doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, là những người dám liều lĩnh đầu tư và cần phải được vinh danh. |
Mấu chốt thành công của doanh nghiệp
Theo Thượng tọa, văn hóa kinh doanh giữ vị trí như thế nào trong xã hội ngày nay?
Kinh doanh chính là nơi tạo ra sự tương tác cao. Mối tương quan giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, tương quan giữa những người cùng làm trong một công ty. Nếu người chủ hống hách, kiêu ngạo sẽ chỉ đem lại những hậu quả xấu. Là chủ mà vẫn giữ được sự khiêm cung với người làm cho mình thì tức là đạo đức đã được nâng cao ở cả người làm chủ và người làm công. Những người làm công phải sợ người chủ của mình là đương nhiên, nhưng nếu họ được đối xử tốt sẽ là phương cách tốt nhất rèn luyện cho họ sự tận tụy với công việc và điều này sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà thôi.
Trong xã hội hiện đại, đặc biệt ở những nước phát triển, những người không nỗ lực sẽ dễ bị mất việc làm, chịu nhiều thiệt thòi, không ai đoái hoài. Ở nước ta, khi thất nghiệp vẫn còn nhiều hội đoàn, nhiều tổ chức cá nhân giúp đỡ, nhưng không nên vì vậy mà có tư tưởng ỷ lại mà cần phải tận tụy với công việc mình làm. Dù mình chỉ là công nhân, giữ vai trò, vị trí rất nhỏ trong guồng máy chung nhưng vẫn phải hoàn thành trách nhiệm của mình, nghĩ đến sự sống còn của công ty và chính điều đó giúp đạo đức của họ được nâng cao. Người chủ dù lãnh đạo nhiều người nhưng phải coi mọi vấn đề của người công nhân chính là vấn đề, là sự tồn tại, phát triển của công ty mình. Chính mối tương quan này tạo ra đạo đức trong nội bộ doanh nghiệp. Mối quan hệ với các đối tác, khách hàng, đến và đi, tuy không gắn bó mãi nhưng cũng phải được phục vụ tốt. Khi hàng hóa khan hiếm thì vẫn phải giữ được sự khiêm cung, ân cần với khách hàng. Có như vậy thì việc kinh doanh mới được hưởng phúc lâu dài, không chịu cảnh bị hắt hủi những khi hàng hóa dư thừa, tiêu thụ khó khăn. Tạo ra môi trường kinh doanh văn hóa đó là dù khi giao dịch thành công hay không thành công thì khách hàng vẫn được tiếp đón ân cần, thoải mái, họ sẽ nghĩ đến và muốn quay trở lại với chúng ta những khi khác.
Thưa Thượng tọa, liệu người giỏi đạo pháp có thành công trong kinh doanh?
Những người cứ nghĩ đạo pháp là những gì trên mây thì không kinh doanh thành công được. Người thấm nhuần đạo pháp là người tinh tế, thận trọng từ những điều tội phúc nhỏ bé nhất. Họ phải là những người rất thực tế thì mới thành công.
Nhiều người thường hỏi, thành công trong kinh doanh có liên quan đến “nghiệp” của từng người không?
Việc kinh doanh lệ thuộc vào môi trường kinh doanh, vận hội đất nước, thậm chí bối cảnh toàn cầu. Người ta cũng nói tới “nghiệp” đời trước để lại, nếu “nghiệp” đời trước tốt thì đời nay cũng sẽ hanh thông hơn. Tuy vậy, việc kinh doanh có văn hóa luôn giúp chúng ta có sự nghiệp kinh doanh vững vàng. Hiểu đạo thì cẩn thận tội phúc hơn và giúp kinh doanh dễ thành công.
Một người hiểu đạo sâu sắc thì phục vụ khách hàng không hời hợt. Kinh doanh không phải như việc làm thám tử nhưng sự sâu sắc giúp đánh giá được nhu cầu của khách hàng. Trong công ty, người lãnh đạo hiểu nhân viên sẽ giúp họ gắn bó với nhau hơn để từ đó có sự phối hợp trong công việc ngày một tốt hơn.
Phải dùng đồng tiền hợp lý
Người ta thường nói “có tiền mua tiên cũng được”. Nhiều tiền không phải là xấu. Thượng tọa có lời khuyên nên sử dụng đồng tiền như thế nào?
Có khi ta cho, có khi ta chỉ cho mượn, miễn làm sao đồng tiền đem lại hiệu quả cho mọi người. Không phải cứ đem tiền ra cho là tốt. Nếu đem tiền giúp người ta làm việc xấu thì tạo ra tội.
Nhiều người nghĩ rằng người kinh doanh cần cung tiến nhiều tiền cho nhà chùa thì mới nhiều phúc, nhiều lộc, điều này đúng hay sai, thưa Thượng tọa?
Cúng chùa nhiều chưa hẳn đã tốt mà cần phải biết nhà chùa dùng tiền ấy vào việc gì. Đồng tiền được nhà chùa đưa vào xây dựng, giúp đỡ mọi người thì cái phúc lớn, còn nếu nhà chùa đem tiền vào ngân hàng gửi (vì an toàn tài chính) thì không sai, nhưng phúc không được nhiều.
Việc giúp nhau trong đời thì muôn hình vạn trạng và đều cần thiết nhưng nếu ta giúp người mà còn để người ta sân si thì không tốt bằng việc giúp người mà từ đó họ giác ngộ, thoát khỏi sân si.
>> “Nền kinh tế Nhật Bản thuyết phục được thế giới, theo các nhà nghiên cứu thì đó là kết quả của việc họ tiếp thu sự tinh tế trong đạo Phật nhiều nghìn năm để sáng tạo ra những sản phẩm hoàn hảo phục vụ con người. Từ cách rót trà, uống trà thế nào, một sợi tóc chẻ làm tư như vậy. Rồi từ trà đạo đi vào kỹ thuật, họ khiến thế giới phải thán phục. Sự chu đáo đã đưa người Nhật đến thành công. Họ có sự trầm lắng thanh tịnh của một thiền sư, có cái nhìn chi tiết như qua kính hiển vi. Mọi sự đều cần được soi rọi kỹ lưỡng mà không khắt khe” – Thượng tọa Thích Chân Quang bàn về văn hóa kinh doanh. |