“Phát triển nghề cá công nghiệp, hiện đại”

Chưa có đánh giá về bài viết

Trò chuyện với Thủy sản Việt Nam nhân dịp Xuân Ất Mùi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm 2015 là năm tái cơ cấu nên ngành thủy sản sẽ có chuyển biến thực chất, để hình thành, phát triển nghề cá theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: Năm 2015, ngoài mục tiêu nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, ngành thủy sản đặc biệt chú trọng vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; đây được coi là yếu tố sống còn đối với ngành trong hiện tại và tương lai.

 

2014 là năm có nhiều khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, ngành thủy sản nói riêng. Thứ trưởng có chia sẻ gì xung quanh câu chuyện của ngành năm qua?

Báo chí đã nêu và xã hội đã ghi nhận, 2014 là năm chúng ta vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục được mùa được giá; trong đó tôm thẻ chân trắng đã tạo ra bước đột phá khi sản lượng tăng trên 100.000 tấn, tương đương giá trị 2 triệu tấn lúa.

Kết quả này là sản phẩm và nỗ lực chung của toàn ngành, đặc biệt vai trò của doanh nghiệp và nông, ngư dân. Vai trò quản lý nhà nước cũng đóng góp đáng kể vào thành tựu này.

Việc quản lý chất lượng vật tư đầu vào (như giống, thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường…) có sự chuyển biến tốt hơn năm 2013. Quản lý chất lượng thủy sản xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và đấu tranh với các rào cản thương mại tại các thị trường đã được làm rất quyết liệt.

Năm 2014, chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh suy gan tụy cấp trên tôm. Đây là điều hết sức quan trọng, nhờ đó chúng ta đã tranh thủ được những cơ hội về thị trường. Trong khi các nước trong khu vực vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch bệnh.

Đặc biệt, năm 2014, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hai Nghị định được xã hội đặc biệt quan tâm: Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Cùng đó, bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản cũng có những điểm nhấn đáng kể. Hệ thống thú y thủy sản từng bước được kiện toàn, cải thiện về năng lực. Bộ máy Tổng cục Thủy sản cũng được kiện toàn, lực lượng Kiểm ngư chính thức ra mắt và đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; Thành lập và nâng cấp Trung tâm Đăng kiểm tàu cá; Đây cũng là một thiết chế rất quan trọng để tham mưu và thực thi nhiệm vụ của Tổng cục, góp phần hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý công tác an toàn tàu cá trên biển.  

Năm 2014, sản lượng tôm cả nước ước đạt 660.000 tấn – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản vừa được phê duyệt, với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Theo Thứ trưởng, năm 2015 việc tái cơ cấu sẽ tác động thế nào đối với ngành thủy sản?

Tái cơ cấu là chủ trương lớn, cần được nhìn nhận trong dài hạn. Năm 2015 mới ở giai đoạn đầu quá trình tái cơ cấu, trước hết là chọn và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao của ngành thủy sản; Đồng thời, tạo nền tảng và từng bước hiện đại hóa ngành thủy sản, nhất là lĩnh vực khai thác hải sản trên biển, với việc chúng ta quy hoạch và đầu tư để từng bước hình thành 5 Trung tâm Nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang.

 

Nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, thời gian qua, thủy sản Việt Nam liên tiếp bị cảnh báo ở một số thị trường. Năm 2015 chúng ta cần phải làm gì để giảm thiểu những rủi ro này, thưa Thứ trưởng?

Trước hết, phải kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào, từ khâu con giống, thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản. Tăng cường hướng dẫn, giám sát việc sử dụng vật tư tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản; thời gian qua, chúng ta chưa làm tốt điều này, nhất là tại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tổ chức lại hệ thống thu mua, cung ứng nguyên liệu, theo hướng kiểm soát được chất lượng và truy xuất được nguồn gốc.

Thứ hai, phải nghiên cứu kỹ quy định của các nước nhập khẩu và quốc tế để điều chỉnh cho phù hợp những yêu cầu chính đáng và đấu tranh với những đòi hỏi, rào cản kỹ thuật bất hợp lý; đồng thời, phải đổi mới công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định kiểm soát hàng nông sản xuất, nhập khẩu phù hợp quy định của các thị trường và thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng và đối đẳng với các nước trong quan hệ thương mại nông sản.

 

Nghị định 67/2014/NĐ-CP có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển ngành thủy sản, nhất là đối với nghề đánh bắt xa bờ, có hiệu lực đã nửa năm; Tuy nhiên, đến thời điểm này, xem ra việc triển khai tại cơ sở vẫn chưa được bao nhiêu. Vậy nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ khó khăn như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Nghị định 67 quy định về các chính sách toàn diện và tổng hợp mang tính đột phá của ngành thủy sản. Các bộ, ngành trung ương đã ban hành hơn chục thông tư, văn bản hướng dẫn; chính sách được thiết kế cụ thể và trực tiếp đến người hưởng lợi là ngư dân ở cơ sở nên cần phải có thời gian để nghiên cứu, xây dựng và thực thi theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, không nóng vội được. Điều này đã được xác định từ đầu, các địa phương cũng đã rất tích cực thực hiện nhưng kết quả chưa được như mong đợi; qua thời gian triển khai áp dụng chính sách tại cơ sở, đã phát hiện một số khó khăn, vướng mắc cần được làm rõ và tháo gỡ.

Trước hết, chính sách tín dụng cho vay để đóng mới và cải hoán, nâng cấp tàu cá được ngư dân và dư luận quan tâm nhiều; vì chính sách đặc biệt ưu đãi nên rất hấp dẫn ngư dân, nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại chứ không phải từ ngân sách nhà nước cấp nên điều kiện và thủ tục giải ngân các ngân hàng phải cân nhắc kỹ để có hiệu quả và an toàn về thu hồi vốn, nhà nước không thể áp đặt. Mặt khác, phát triển tàu cá phải đạt mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa nghề khai thác, cho nên phải đảm bảo quản lý được số lượng tàu cá không vượt quá quy hoạch, nghề, ngư trường, vùng biển. Có thể do văn bản hướng dẫn chưa đủ rõ, nhất là điều kiện và trình tự thủ tục xem xét cho vay, trong khi ngư dân rất mong sớm được vay vốn, nên nhiều địa phương tỏ ra lúng túng.

Thứ hai, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản thuộc Nghị định 67 là tập hợp các chương trình đã có, điểm lưu ý là phải rà soát để lập danh mục và đầu tư theo thứ tự ưu tiên, điểm mới là quy hoạch và đầu tư để hình thành 5 Trung tâm Nghề cá lớn. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn từ năm 2015 theo quy định của Nghị định và cần có thời gian điều chỉnh quy hoạch, rà soát, nên thực chất nếu có điều chỉnh theo Nghị định 67 thì cũng chỉ thực hiện vào giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ ba, các chính sách khác (như tín dụng ngắn hạn, cho vay từng chuyến biển, chính sách bám biển, hỗ trợ rủi ro, chính sách khuyến khích hoạt động tàu dịch vụ trên biển, chính sách đào tạo, chuyển giao kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá…) đều rất thiết thực, nhưng các địa phương mới tập trung vào chính sách vay vốn đóng mới tàu cá, nâng cấp, cải hoán tàu cá, cho nên nhìn tổng thể từ khi triển khai Nghị định 67 đến nay, ngư dân chưa thực sự được hưởng lợi, là điều có thể hiểu được.

Giải pháp là các Bộ NN&PTNT, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp làm rõ và hướng dẫn, giải đáp cụ thể các vướng mắc thuộc nhiệm vụ của bộ, ngành được giao tại Nghị định và những nội dung cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Đối với các địa phương, cần triển khai đồng bộ các chính sách, nhất là các chính sách tác động trực tiếp đến lợi ích ngư dân. Mặt khác, cần tổ chức các đoàn công tác liên ngành, lắng nghe và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc ở địa phương.

Hoàng Lan (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!