Mỗi năm, người nuôi cá nước ngọt tại Tây Ninh luôn phải sống trong tâm trạng phập phồng âu lo trước nạn xả nước thải bẩn ra sông làm cá chết. Mới đây, hàng loạt cá nuôi bè tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành lại nổi trắng trên mặt nước, chết la liệt, mặc cho chủ bè dùng đủ mọi cách cứu vãn.
Tại khu vực Bến Đá (ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) có các bè nuôi cá nước ngọt nằm cập bến sông. Nhà nhiều thì 5- 6 bè, nhà ít cũng 1-2 bè. Mỗi bè nuôi cá khác nhau, như cá bống tượng, trắm cỏ, rô phi, lăng nha, điêu hồng. Hơn 2 tuần qua, người dân nơi này đứng ngồi không yên trước tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông đột ngột ô nhiễm nặng, khiến cá chết hàng loạt.
Bè nuôi cá trên sông Vàm Cỏ Đông.
Gia đình bà Lưu Ngọc Huệ có 3 bè nuôi cá rô phi và cá điêu hồng. Mấy ngày qua, nước sông ô nhiễm khiến cá trong bè của bà Huệ số thì chết, số thoi thóp, bỏ ăn. Bà Huệ tìm đủ mọi cách để cứu cá, nhưng không ăn thua, cuối cùng chạy ngược chạy xuôi tìm mối lái bán tống bán tháo, hòng gỡ gạc lại vốn.
Bà Huệ cho biết: “thấy cá ngóc đầu, gia đình tôi kéo môtơ bơm cho loãng nước để cứu cá, nhưng không cứu nổi. Cá lật ngang chết, chỉ trong 1 tiếng mà chết hết bè cá. Bà con ở đây khổ, không có đất sản xuất, chỉ trông vào mấy bè cá, giờ thế này, ai cũng khổ hết trơn”.
Cùng cảnh ngộ của bà Huệ là gia đình ông Nguyễn Văn Lộc. Từ 20 năm nay, ông Lộc sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá nước ngọt trên sông Vàm Cỏ Đông. Loại cá ông Lộc nuôi là bống tượng, nếu không xảy ra tình trạng cá chết, đến ngày thu hoạch, mỗi ký cá bống tượng bán ra từ 200.000 – 250.000 đồng. Việc nước sông bị ô nhiễm khiến cá chết, với một người quanh năm gắn bó với sông nước như ông Lộc là điều không có gì bất ngờ. Nhưng đợt này nằm ngoài dự đoán của ông Lộc.
“Nhiều năm trước cá cũng bị chết nhưng ít, 5 – 6 năm nay nguồn nước ô nhiễm nặng nên cá chết nhiều hơn. Con cá bống này chịu nước thải mì giỏi, qua 1-2 ngày vẫn sống. Nhưng nay thời gian nước nhiễm lâu quá, giống cá này cũng chịu hết nổi…” – ông Lộc buồn bã nói.
Trong số những người nuôi cá tại khu vực ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, bi đát nhất là gia đình ông Nguyễn Văn Đạt. Hai vợ chồng ông có hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày đi bán vé số, dành dụm tiền để nuôi cá trắm cỏ và điêu hồng. Do không có tiền đầu tư mua thức ăn công nghiệp, chỉ tận dụng phế phẩm sẵn có, hái lục bình cho cá ăn, nên cá của ông Đạt chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài hơn bình thường.
Giấc mơ đổi đời của ông Nguyễn Văn Đạt giờ trôi theo dòng nước khi cá bè của gia đình nuôi chết gần hết.
Ông Đạt cho biết, với người khác chỉ cần nuôi trong 2 năm là cá đạt trọng lượng 3 kg, nhưng gia đình ông phải nuôi 3 năm. Nếu không có sự cố gì, đến ngày thu hoạch, bán hết cá, ông Đạt sẽ thu lãi trên 200 triệu đồng. Hai vợ chồng nghèo này bàn tính, khi đó sẽ có tiền đầu tư mở rộng bè nuôi cá, hết cảnh đi bán vé số và lên bờ cất nhà ở ổn định. Nhưng nay, mọi dự tính đều tan theo mây khói, khi nước sông ô nhiễm khiến cá nhà ông Đạt chết gần hết.
Ông Đạt bức xúc nói: “Bình thường cá thả nuôi đến 13 tháng không bệnh đau. Nguồn nước sông phải do nhà máy nào đó xả ra mới có tình trạng này, không tự nhiên nước sông độc hại như thế. Cá gần 5.000 con, chết 80%, ngày nào cá cũng chết”.
Thời điểm xảy ra cá chết từ ngày 3/3. Khi nhận được tin, cán bộ chuyên trách xã Phước Vinh và huyện Châu Thành có đến khu vực nuôi cá tại Bến Đá để khảo sát thực tế. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có thông báo lại cho bà con nguyên nhân chính thức khiến nước sông ô nhiễm. Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh cũng đã thành lập đoàn đến khu vực nuôi cá của người dân lấy mẫu nước sông, và có kết luận là các thông số đều vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép tại cột A từ 2- 5 lần và ôxy hòa tan thấp, dẫn đến cá chết.
Tuy nhiên, cho đến nay, Sở Tài Nguyên – Môi trường cũng chưa công bố chính thức tác nhân chính gây ra ô nhiễm dòng nước. Cá chết khiến ngư dân thiệt hại, ai là người chịu trách nhiệm?
Giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi trường Nguyễn Đình Xuân.
Trả lời về những vấn đề này, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường Tây Ninh cho biết, hằng năm đều xảy ra một vài đợt cá chết, thường là vào thời điểm nước cạn kiệt, giao mùa. “Chúng tôi cũng đã lấy mẫu ở hai doanh nghiệp người dân nghi vấn, cả hai doanh nghiệp này đều đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo tiêu chuẩn A. Việc doanh nghiệp có gây ô nhiễm, bị xử phạt là điều chắc chắn, nhưng nếu người dân muốn được đền bù, thì phải chứng minh nhà máy xả thải trực tiếp ảnh hưởng cá của dân và cá này phải nuôi trong quy hoạch, có đăng ký, nói chung phải là quyền lợi hợp pháp thì mới bồi thường được”.
Cũng theo Sở Tài Nguyên – Môi trường, khu vực nuôi cá bè tại Bến Đá, ấp Phước Trung và ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành tuy tồn tại hàng chục năm qua, nhưng lại không nằm trong quy hoạch nuôi trồng phát triển thủy sản của tỉnh. Do vậy, người dân sẽ chịu thiệt thòi khi có tranh chấp pháp lý, đòi quyền lợi cho mình.
Sở Tài Nguyên-Môi trường sẽ tiếp tục thành lập đoàn đi kiểm tra lấy mẫu nước từ sông Vàm Cỏ Đông và nước thải từ các doanh nghiệp sản xuất chế biến khoai mì trên thượng nguồn, sau đó gửi đi kiểm nghiệm. Khi có kết quả chính thức, sẽ có hướng xử lý tiếp theo đối với những cá nhân hoặc đơn vị nào làm ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông, dẫn đến hệ lụy cá chết như hiện nay.