Hàng trăm tấn ngao chết tại Hà Tĩnh: Không phải do xả trộm chất thải độc hại ra biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy ngày nay, thông tin trên một số báo, trang tin cho rằng hàng trăm tấn ngao chết tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vừa qua là do xả trộm chất thải độc hại ra biển. Tuy nhiên, trao đổi chính thức với Thủy sản Việt Nam (TSVN), lãnh đạo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh này khẳng định thông tin trên là không có cơ sở.

Cụ thể, ngày 24/3, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Tính tới thời điểm này, đã có khoảng trên 660 tấn ngao bị chết tại các xã thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với tổng diện tích gần 70 ha của hàng chục hộ dân. Ước tổng thiệt hại của người dân là 8 tỷ đồng. Nguyên nhân ngao chết hàng loạt là do ô nhiễm môi trường tự nhiên, ngoài ra còn do người dân nuôi với mật độ cao, con giống được các hộ nhập về không qua kiểm dịch, ông Hoàng cho biết thêm.

Được biết, tại các vùng nuôi có ngao chết, người dân thả giống với mật độ 300 – 400 con/m², gấp nhiều lần so quy định, khiến hàm lượng ôxy hòa tan không đủ đảm bảo cho ngao phát triển tối ưu làm ngao gầy yếu, thiếu sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh.

Ngao chết hàng loạt tại Hà Tĩnh

Theo phản ánh của người nuôi với phóng viên TSVN, tại thời điểm ngao chết hàng loạt tại các xã thuộc 2 huyện này thì hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện. Ngoài ra, những vùng có ngao chết, thịt ngao phân hủy nhanh đã làm tăng mức độ ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có hại phát triển, gia tăng hàm lượng các khí độc như H2S, NH3… Bên cạnh đó, hầu hết các hộ mua giống ngao từ các địa phương Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… nhưng không có hồ sơ kiểm dịch, có thể nguồn giống này cũng không đảm bảo chất lượng.

Ông Hoàng cho hay: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 300 ha ngao tại các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh đang vào kỳ thu hoạch. Để tránh thiệt hại, các hộ nuôi ngao cần chủ động phát hiện kịp thời và tiến hành thu hoạch khi nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm. “Đối với những hộ có ngao chết, cần khẩn trương vệ sinh khu vực nuôi; tích cực vớt ngao chết ra khỏi khu vực nuôi càng xa càng tốt. Tuyệt đối không đổ ngao chết ra vùng cửa sông; tích cực cày xới, phơi bãi và không thả giống sau thời gian tối thiểu 3 – 4 tháng để khôi phục và ổn định môi trường. Đặc biệt, người nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cần tuân thủ về mặt kỹ thuật, không thả với mật độ quá cao; thả giống đã qua kiểm dịch và có ý thức cộng đồng trong khu vực nuôi” – ông Hoàng khuyến cáo.

Trần Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!