Lại chuyện thiếu nguyên liệu

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) Tôm và cá tra là hai trong số ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam nhưng hiện, đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Điều này không chỉ gây hoang mang cho người nuôi, mà còn khiến doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội làm ăn cũng như mở rộng thị trường. Nguyên nhân do đâu?

Tôm chết ở nhiều nơi

Ngày 14/6/2011, VASEP đã tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên để thông báo tình hình xuất khẩu cũng như tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng đang diễn ra. Theo đó, Ủy ban Tôm thuộc VASEP cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2011 chỉ có thể đạt khoảng 1,8 – 1,9 tỷ USD (năm 2010 là 2,1 tỷ USD) do trong thời gian qua, dịch bệnh đã khiến nuôi tôm ven biển ĐBSCL chết hàng loạt.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, hiện nay, giá trị xuất khẩu tôm chiếm đến 35,5% tổng số kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. ĐBSCL hiện có khoảng 213.500 ha nuôi tôm với sản lượng ước khoảng 213.000 tấn, là nguồn cung đáng kể cho xuất khẩu. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm cho 52.270 ha nuôi tôm ở khu vực này bị thiệt hại nặng nề.

Ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng bày tỏ bức xúc, do tôm bị bệnh, chết, người nuôi tôm phải thả giống đến 2, 3 lần nên lãi không còn bao nhiêu.

Ông Hồ Quốc Lưu, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Sao Ta (Sóc Trăng) nhận định, tình hình tôm bị bệnh, chết vẫn chưa được cải thiện. Như vậy, việc thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu sẽ còn kéo dài. Không chỉ riêng ĐBSCL mà ở nhiều nơi khác, chắc chắn tôm bị bệnh chết sẽ còn xảy ra.

 

 

Thiếu tôm nguyên liệu khiến nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng     Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Bất ổn cá tra nguyên liệu

Theo VASEP, từ đầu năm đến nay, nguyên liệu cá tra thiếu hụt khoảng 20% so với nhu cầu sản xuất, chế biến xuất khẩu. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thiếu hụt nguyên liệu cá tra còn căng thẳng hơn, có khả năng thiếu hụt trên 30%. Tuy nhiên, điều này lại tồn tại một nghịch lý. Trong khi lượng cá tra quá lứa đang tồn đọng hơn 20.000 tấn dưới ao mà không có ai mua thì cá tra có trọng lượng khoảng 850gr cho thị trường xuất khẩu lại đang thiếu trầm trọng và giá thu mua cá tra cỡ nhỏ lại cao hơn so với giá cá tra cỡ lớn 2.000đồng/kg. Vì đâu?

Lý giải cho nghịch lý này, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt cho rằng, tâm lý của người nuôi là cố chờ cá càng lớn để có lợi thế về sản lượng càng cao, bên cạnh đó, thời gian gần đây giá nguyên liệu có xu hướng giảm sâu nên một bộ phận người nuôi chần chừ không chịu bán. Theo tính toán, giả sử người nuôi có 1.000 con cá giống nếu để trọng lượng 850g bán với giá 26.000 đ/kg thì chỉ thu về 22,1 triệu đồng, trong khi nếu họ chờ cá có trọng lượng 1,5 kg mới bán, mặc dù chỉ có giá 24.000 đ/kg nhưng họ vẫn thu về tới 36 triệu đồng. Điều này cũng dễ hiểu vì sao người nuôi vẫn thích để cá càng lớn càng tốt. Tuy nhiên, chính điều này lại đẩy người nông dân "chết đứng" vì lượng cá quá lứa tăng từng ngày mà doanh nghiệp lại không thu mua.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng: "Hiện nay, Mỹ và châu Âu vẫn là 2 thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam. Cả 2 thị trường này đều chuộng loại cá khoảng 800 – 850g. Riêng cá quá lứa từ 1 – 1,2 kg/con trở lên chỉ xuất được sang Trung Đông, nhưng thị trường này tiêu thụ rất ít, lượng xuất chưa được nhiều. Đối với thị trường Nga trước đây cũng ăn cá lớn, tuy nhiên xuất sang Nga giá rất thấp, thanh toán chậm, rủi ro cao… nên doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà".

 

 

Cần "bản lĩnh" để vượt qua

Trước tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ đóng cửa nhà máy vì không đủ công suất hoạt động. Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 147 doanh nghiệp ngừng chế biến, xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khác do không thể tìm đủ nguyên liệu để sản xuất và các chi phí đầu vào tăng cao.

Bên cạnh đó, gần đây các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với thương lái Trung Quốc trong việc thu mua nguyên liệu thủy sản. Có nhiều thương lái Trung Quốc đã tìm đến tận ngư trường để thu mua nguyên liệu. Trước thực trạng này, doanh nghiệp đã phải đẩy giá thu mua lên cao hơn, trong khi giá xuất gần như không tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm, tuy nhiên, nguồn nguyên liệu vẫn không đáp ứng đủ.

 

Có thể nói, tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng như hiện nay đã đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng như người nuôi đứng trước khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp thì đánh mất nhiều cơ hội làm ăn cũng như mở rộng thị trường, còn người nuôi đứng trước nguy cơ thiệt hại về sản lượng, giá cả và có thể dẫn đến phá sản. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cần bình tình và bản lĩnh để cùng nhau vượt qua khó khăn này, đưa ngành thủy sản Việt Nam về đích với những mục tiêu đã đặt ra.                   

 

>> Ủy ban Tôm thuộc VASEP cho biết, tình trạng dịch bệnh khiến nuôi tôm ven biển ĐBSCL chết hàng loạt thời gian qua nên kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2011 chỉ có thể đạt 1,8 – 1,9 tỉ USD. Trong khi đó, Ủy ban Cá nước ngọt dự kiến, năm 2011 sản lượng cá tra nguyên liệu xuất khẩu chỉ khoảng 800.000 tấn, nhưng bù lại, kim ngạch tăng, có thể đạt 1,55 tỉ USD (tăng khoảng 150 triệu USD so với năm 2010).          

 

Hồng Thắm

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!