Hiện nay, các vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh tại các tỉnh ĐBSCL đang bước vào thời điểm thả giống vụ tôm chính vụ. Để vụ tôm chính vụ năm 2015 thắng lợi, bà con nuôi tôm cần tham khảo và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phòng trị các bệnh thường gặp trên tôm nuôi.
Bệnh do vi khuẩn dạng sợi
Bệnh có biểu hiện mang tôm biến đen hoặc biến màu nâu, chân ngực và chân bơi có màu xám bám đầy lông tơ. Bệnh nặng thì mang chuyển sang màu vàng, màu xám hoặc xanh, bám nhiều lông tơ. Tôm thường nổi đầu, dạt bờ và chết rải rác, không lột xác được. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn dạng sợi Leucothrix mucor; ngoài ra có thể do một số vi khuẩn dạng sợi khác như Cytophagr sp, Flexibacter sp, Thiothrix sp… Các vi khuẩn dạng sợi này sống hoại sinh trong nước biển, cửa sông và có thể bám lên bề mặt ngoài của tôm gây bệnh, có khả năng phân giải kitin, xenlulose và nhiều hợp chất hữu cơ khác.
Để phòng trị bệnh này cần cải thiện điều kiện môi trường và diệt vi khuẩn trên tôm bằng cách xi phông đáy, thay nước mới để làm giảm mật độ vi khuẩn trong nước, tăng sức để kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C. Không nuôi mật độ quá cao, tránh làm tôm tổn thương, định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng chất hữu cơ. Tăng sức đề kháng cho tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung Vitamin C, A, E và Beta-Glucan. Ao đã bị bệnh thì dùng 1 – 2 mg/m3 Saponine hoặc bột hạt chè phun đều khắp ao kích thích tôm lột xác, sau khi tôm lột xác xong bơm thêm nước để giảm nồng độ Saponine; hoặc dùng 2 – 5 mg/m3 KMnO4 (thuốc tím) phun khắp ao sau 4 giờ thì thay nước.
Ảnh: Diệu Lữ
Bệnh mềm vỏ ở tôm thẻ chân trắng
Tôm bệnh mềm vỏ thường có màu xỉn, vỏ bị mềm có khi rất mềm, vỏ rời thịt, tôm yếu, kém hoạt động, dễ bị con khác ăn thịt hoặc dễ bị sinh vật gây bệnh tấn công, dễ bị bệnh bẩn mình bẩn mang, chết rải rác. Ngoài ra, tôm bị mềm vỏ thường chậm lớn. Bệnh mềm vỏ ở tôm thẻ chân trắng có nguyên nhân là do thiếu dinh dưỡng, thức ăn thiếu canxi và phốt pho, độ cứng thấp, nước ao nuôi nhiễm thuốc trừ sâu, hàm lượng lân trong nước thấp.
Để phòng trị bệnh phải quản lý môi trường nước ao nuôi có độ kiềm 80 – 160 mg/l bằng cách bón vôi CaCO3 hay Dolomite CaMg(CO3)2 định kỳ một tuần/lần cho ao nuôi. Quản lý môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định, tránh gây sốc cho tôm, bổ sung khoáng thích hợp vào khẩu phần thức ăn như canxi/phos, premix…
Bệnh cong thân
Tôm bị bệnh có hiện tượng cơ co rút, đuôi cong về phía bụng, không duỗi ra được. Bệnh thường xảy ra khi kéo tôm lên khỏi mặt nước đột ngột vào ngày nắng nóng hay lạnh rét, nhiệt độ không khí quá chênh với nhiệt độ nước. Ngoài ra có thể do thiếu các chất vi lượng trong khẩu phần ăn của tôm.
Phòng bệnh cong thân cần tránh hiện tượng gây sốc do nhiệt độ, đảm bảo độ sâu cho ao, tránh bắt tôm vào ngày nhiệt độ cao hoặc thấp; bổ sung khoáng chất trong khẩu phần ăn nếu do thiếu chất vi lượng.