Nắng nóng, xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Thủy sản nước mặn cũng chết hàng loạt

Chưa có đánh giá về bài viết

Nắng nóng, xâm nhập mặn sâu vào đất liền không những gây thiệt hại cho cây trồng – vật nuôi theo hệ sinh thái ngọt, mà ngay cả các loại thủy sản nước mặn cũng lao đao…

Nghêu, tôm cùng chết

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Tiền Giang, tính đến nay đã có 176/187 hộ đăng ký cấp sổ theo dõi nuôi nghêu báo cáo có nghêu chết. Trong tổng số 1.625,8ha diện tích có nghêu, có đến 1.503ha nghêu chết, tỷ lệ thiệt hại dao động từ 75 – 90%. Ước sản lượng nghêu tổn thất gần 13.000 tấn, tổng thiệt hại lên đến trên 100 tỉ đồng. Các sân nuôi nghêu tại Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) xác nhận 156 sân có nghêu chết, tỷ lệ thiệt hại dao động 75 – 90%, ước sản lượng nghêu bị tổn thất 12.145 tấn. Tại Bến Tre, tình trạng cũng tương tự. Nghêu tại 8 HTX đều bị thiệt hại, mức độ từ 60 % – 80%. Nhiều HTX nghêu chết hàng loạt không thu hoạch được. Điều đáng nói là, thay vì nghêu trồi lên khỏi mặt đất phơi vỏ như mọi năm, năm nay nghêu chết vùi dưới đất rất khó phát hiện.

 

Nắng nóng, độ mặn quá cao, đến giờ này người nuôi tôm ven biển ĐBSCL không dám thả tôm.

Trong khi đó, diện tích tôm nuôi ven biển ĐBSCL cũng chết hàng loạt do nắng nóng. Bạc Liêu ghi nhận có đến 2.300 ha tôm nuôi mô hình công nghiệp – bán công nghiệp chết hàng loạt. Tôm chết còn diễn ra ở Sóc Trăng (trên 4.000 ha), Trà Vinh (trên 5.000 ha), Bến Tre (2.000 ha), Tiền Giang (1.200 ha).

 

Không dám thả tôm

Ông Nguyễn Văn Nhỏ – ngụ xã Tân Thanh, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang – đã cải tạo ao đầm gần tháng nay, nhưng không dám thả tôm nuôi vì nắng quá nóng, độ mặn quá cao. Ông cho biết: “Mọi năm giờ này ở đây đều thả tôm hết rồi, năm nay độ mặn cao đến 22 phần ngàn, trong khi con tôm thẻ chân trắng sinh trưởng tốt ở độ mặn 10 phần ngàn”.

Báo cáo của Sở NN&PTNT các địa phương ven biển vùng ĐBSCL cho thấy, tất cả các địa phương đều trễ lịch thời vụ mùa tôm năm 2015. Nguyên nhân do nắng nóng, độ mặn tăng quá cao. Các sở NNPTNT khuyến cáo người dân chậm thả nuôi, đợi thời tiết ổn định mới xuống giống nhằm tránh thiệt hại do tôm dễ phát sinh dịch bệnh trong mùa nắng nóng.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng khu vực Nam Bộ, nhiều khả năng đến giữa tháng 5, đầu tháng 6 mới có mưa. Điều này khiến người nuôi tôm lo lắng, bởi họ phải xuống giống trễ vụ, nhiều khả năng sẽ dẫn đến mất mùa tôm.

Nhật Hồ

Báo Lao động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!